Nữ Bí thư giải phóng Cái Nước
Năm 1973, nữ Bí thư xã Hưng Mỹ Phạm Thị Bay nhận quyết định điều chuyển về làm Bí thư xã Tân Hưng Đông. Hơn 30 tuổi, cô Ba Bay trong thời gian ở Hưng Mỹ đã bức rút 9 đồn trong giai đoạn Mỹ - Nguỵ bình định ác liệt. Cô Ba nhớ lại: “Hưng Mỹ mấy trăm ngày đánh nhau với giặc. Mà thiệt ngộ, mình chỉ có du kích, còn giặc toàn quân chủ lực. Hưng Mỹ cũng nhận được viện trợ, nhưng càng viện trợ, giặc càng đánh ác”.
Tân Hưng Đông với Chi khu Cái Nước, giặc tập trung đồn bót, lô cốt và hoả lực trang bị “tới răng”. Nữ Bí thư về gặp ngay mấy câu dè chừng: “Lãnh đạo là nữ, nhỏ xíu con, hổng biết làm được gì không?”. Về chuyện này, cô Ba cho biết: “Không phải chỉ anh em ở xã đâu, cả mấy anh, mấy chú trên huyện cũng còn băn khoăn”.
Giặc ở đây nổi tiếng ngoan cố, quyết tử thủ tới cùng. Bởi vậy, khi được Tỉnh uỷ mời Hội nghị mở rộng ở Vịnh Dừa (tháng 9/1974), đưa ra quyết sách là giải phóng cơ bản vùng nông thôn Cái Nước, mỗi xã phải tự lực, tự cường, cô Ba chưa chuẩn bị được gì. Tại hội nghị đó, cô Ba Bay được cấp trên đề nghị thể hiện quyết tâm giải phóng Cái Nước. Cô Ba miêu tả: “Mấy ảnh để cái sơ đồ bự chảng, biểu mình lên trình bày kế hoạch giải phóng. Ở dưới cô đi lên, đi chậm hết cỡ, tranh thủ suy nghĩ cách thể hiện quyết tâm”.
Do nắm bắt cơ sở nhanh, cô Ba Bay trình bày thuyết phục và thay mặt Tân Hưng Đông thể hiện quyết tâm tự giải phóng bằng 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận và then chốt là quân sự. Thời gian đánh bức rút để giải phóng Cái Nước được cô tự đề ra là tháng 12/1974. Sau hội nghị, cô không ngủ được vì… lo. Không lo sao được, tương quan lực lượng chênh lệch quá, trang bị của xã cũng chẳng có gì đáng kể. Anh em Xã uỷ Tân Hưng Đông nghe nói có chủ trương giải phóng cũng vô cùng phấn khởi, nhưng sau đó lại chùng xuống khi phải tự lực, tự cường.
“Vấn đề quyết định lúc này là phải tạo ra phong trào, cao trào để tập hợp sức mạnh của địa phương”, cô Ba nhấn mạnh. Vậy là Đại hội Đảng khai mạc, lập bàn thờ Bác Hồ, có sổ “lịch sử” để mỗi đảng viên, cán bộ hạ quyết tâm giải phóng. Đại hội chỉ có khai mạc, chừng nào giải phóng Cái Nước mới bế mạc và báo công với Bác.
Cô Ba kể lại, bà má Mười Diệp xin phát biểu tại đại hội rằng: “Hồi đó giờ, tui mới thấy đại hội đặc biệt như vầy. Tui già rồi, sẽ vận động lương thực, cổ vũ con cháu, theo tới chừng nào thắng lợi. Mà chắc chắn sẽ thắng lợi thôi”.
Một nữ du kích còn rất trẻ hăng hái: “Tui xin thề, sẽ ra ở chiến hào chiến đấu tới cùng”. Chẳng biết do hăng hái quá hay cách nói “hổng giống ai”, cả đại hội “cười cái rần”, nhưng ai cũng tin đồng chí ấy nói thật lòng mình.
Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay (giữa) bên đồng đội. Bà đã sống, chiến đấu và dành cả cuộc đời cho lý tưởng: phụng sự Đảng, phụng sự Nhân dân. Ảnh: Hữu Khả
Vượt qua thử thách
Quyết tâm đã có, nhưng khó khăn còn quá nhiều. Cô Ba chỉ đạo: “Phải chặn bít con đường đấu nối vô Chi khu Cái Nước. Lực lượng quân sự ngày đêm túc trực, không cho địch nống càn, tiêu hao sinh lực địch”.
Một lực lượng hơn 60 người gồm mõ, tù và, trống được hình thành (bí thư kêu thì hăng hái tham gia, mà chưa biết phụ trách công việc gì). Việc đầu tiên là tìm “đạn dược”. Cô Ba cười: “Bí quá, chỉ có cách đi mò đạn. Mò ở đồn Ông Gấm (đã giải phóng). Lúc đi đâu dám nói với anh em, chỉ nói bảy chị em đi nhổ bồn bồn cải hoạt”.
Cô Ba Bay nhỏ con nhất xung phong: “Để tui mò trước chị em”. Ở trên bờ là bà con, có cả lực lượng thanh niên nhìn mà lắc đầu nghi ngại. Đồn mới giải phóng không bao lâu, nước phèn vàng đặc, miểng đạn, xác đồn ngổn ngang. Thời may, cô Ba tìm được một băng đại liên vàng hực. Chị em càng hăng, quăng lên nào đạn súng cối, đầu B40. Cô Ba nhắc lại: “Ông Gấm chủ nhà thấy chị em mò cực, chịu mưa ướt lạnh thấu xương nên mần con gà nấu cháo cho mọi người ăn”.
Riêng cô Ba rất khâm phục đồng chí Tám Chuyền. Mọi người lên hết, chỉ cô Ba và Tám Chuyền ở lại. Tám Chuyền nói: “Gương là thấy, mẫu là mẹ, hai chị em mình “thấy mẹ” rồi chị Ba”. Ba Bay không chần chừ đáp lại: “Gian khổ nhiều, thắng lợi càng cao. Đảng viên phải đi trước, Tám bỏ là tiêu liền”. Cả hai cùng cười run vai trong cái lạnh tê cóng và hạ quyết tâm “đeo tới cùng”.
Một xuồng đạn đầy chuyển về giao cho công xưởng. Cánh đàn ông nhìn bà Ba mà tự nhiên “mắc cỡ” quá chừng. Về nhà, cô Ba đổ bệnh, lại nghe đồng chí Nguyễn Lương Kháng báo cáo: “Chế Ba, em đi ba lần mà điều nghiên thực địa chưa được. Chế tính sao?”. “Điều nghiên không kỹ là đổ máu, là hy sinh, có thể ảnh hưởng đến thời gian giải phóng. Phải giải quyết nhanh vấn đề này”, cô Ba dứt khoát.
Xin ý kiến của anh em trong Xã uỷ để mình trực tiếp đi điều nghiên, ai cũng nín thinh. Cô Ba trấn an: “Tôi đi là đi làm nhiệm vụ, cho dù có bị bắt cũng sẽ giữ khí tiết đến cùng”.
Má Tám Cải và chú Bảy Cất chèo xuồng đưa Ba Bay ra trị bệnh (cũng bệnh thiệt, nhưng thực chất là đi nắm tình hình) ngoài nhà của bà Chệt Thầy. Có người thấy Ba Bay xì xồ: “Bí thư ra tới đây thì đồn Cái Nước sắp tiêu rồi”.
Cô Ba nhanh chóng điều nghiên địa hình, hỏi bà Chệt Thầy nắm bắt những tên ác ôn, những đối tượng có thể cảm hoá của giặc. Qua đó hỏi bà Chệt Thầy: “Lỡ Việt cộng đánh quá thì mần sao?”. Đây là cách vô cùng khéo léo để nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, từ đó chuẩn bị phương án di dời dân khi nổ ra đánh lớn.
Xong xuôi, còn một việc mà cả Xã uỷ chưa ai dám nhận: Đi báo cáo với đồng chí Tư Vân (tức đồng chí Nguyễn Văn Để, Bí thư Huyện uỷ). Bởi một lẽ, báo cáo mà không sát thì chú Tư sẽ “giũa” cho một trận nên thân. Cô Ba Bay lại đi. Trước khi báo cáo, cô Ba rào trước: “Con nói chú Tư đừng rầy con nghe”, chú Tư Vân gằn giọng: “Chưa báo cáo mà rầy gì mậy?”. Vậy rồi phương án, tình hình, kế hoạch hiệp đồng tác chiến được thông qua. Chú Tư Vân chắc nịch: “Ấn định ngày giải phóng Cái Nước”.
Trận đánh cuối cùng
Ngày 1/12/1974, Tân Hưng Đông ra quân tổng lực nhằm bức rút Chi khu Cái Nước. Để có được ngày này, Tân Hưng Đông đã dành hơn 2 tháng tổng lực làm công tác chuẩn bị, trong đó vai trò của Bí thư Xã uỷ được đồng đội, Nhân dân hoàn toàn tin cậy.
Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Cái Nước qua các thời kỳ nhắc lại kỷ niệm đánh Chi khu Cái Nước tại Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Thanh Nhàn
Các ngã đường về Chi khu Cái Nước bị chặn lại. Ma trận trống chầu, mõ, tù và được triển khai để dụ địch bắn hết đạn. 60 con người làm cho không khí thật sự như có bộ đội chủ lực về triệt hạ chi khu này. Diễn biến tới đâu, Tân Hưng Đông chèo xuồng lên báo cáo Huyện uỷ tới đó.
Vây đánh “xà quần”, lúc giặc đuối thế mở đường máu cho vợ con tẩu thoát, ta bắt được. Cô Ba Bay cho anh em giáo dục mấy ngày, sau đó tự viết bức thư, nội dung là “Tình hình chiến sự cả nước, của Cà Mau, của Cái Nước đã sắp tàn cục. Kêu gọi anh em binh sĩ về với Đảng, với cách mạng sẽ được khoan hồng. Nếu không 5 ngày nữa sẽ bị tiêu diệt toàn bộ” và phần ký tên là của… Tiểu đoàn U Minh 2. Thêm nữa, người phụ trách thả vợ con của tụi giặc còn đồ thêm: “Cái này tui nói lén thôi, bộ đội chủ lực về nhiều lắm, phải mần 5 con bò mới đủ khao quân, mấy bà tính sao thì tính nghen”.
Đồng chí Kháng về báo cáo: “Giặc hoang mang, mình gần hết đạn, tính sao chế Ba?”. Ba Bay nói gọn: “Đeo tới cùng, đạn chế lo”. Rồi Ba Bay cho anh em đi mượn đạn ở Phú Mỹ, “vừa xin, vừa ăn cắp” đạn trên Huyện đội. Dồn sức “quánh một trận cuối cùng”, bởi giặc đã hết hồn vía, sinh lực.
Lúc này, nữ Bí thư vẫn kiên cường trên tuyến lửa. Đúng 10 giờ đêm 15/12/1974, giặc bỏ Chi khu Cái Nước tháo chạy. Quân và dân Tân Hưng Đông đeo bám đánh đến cùng mãi tới 2 giờ chiều ngày hôm sau. Trên nền đồn giặc còn nghi ngút khói súng, cô Ba Bay kêu gọi: “Tất cả vì thành quả cách mạng, quyết hy sinh để quê hương giải phóng hoàn toàn”.
Cô Ba Bay gần như kiệt sức, mấy bà má kéo Ba Bay lên tắm gội, âu yếm nói: “Tao nghe nói tên mầy, tính đâu đàn ông đàn ang gì, ai dè chút xíu con bây. Bay, lại đây má gội đầu cho… Cái Nước giải phóng rồi”.
Trên nền đồn giặc cũ, gian Nhà thờ Bác được gấp rút xây dựng. Đại hội xã Tân Hưng Đông bế mạc báo công lên Bác. Giọt nước mắt hạnh phúc vỡ oà. Vậy là Ba Bay đã làm được.
Đó là những ngày của 42 năm về trước…