Những năm qua, cùng với các địa phương trong tỉnh Cà Mau, triều cường đã gây ảnh hưởng lớn ở nhiều nơi, trở thành tâm điểm đáng chú ý đối với mọi người. Mỗi khi triều cường lên cao, nhiều tuyến lộ và khu dân cư đều bị ngập.
Triều cường gây ngập một số tuyến dân cư tại thị trấn Cái Nước
Thực tế cho thấy, từ năm 2021 đến nay, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường và phức tạp hơn. Triều cường dâng cao, mưa trái mùa không theo quy luật tự nhiên, lốc xoáy, sạt lở đất ven sông ngày càng nhiều, gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân.
Năm 2024, mặc dù mới bước vào mùa triều cường, nhưng mực nước ở các tuyến sông trên địa bàn huyện Cái Nước cao hơn so với đỉnh triều năm 2023 từ 5 đến 10 cm; đồng nghĩa với số lượng tuyến lộ bê tông nông thôn bị ngập sẽ tăng lên. Hầu hết các tuyến lộ bị ngập chủ yếu xảy ra ở các tuyến lộ bê tông được đầu tư xây dựng cách nay hơn 10 năm với cao độ mặt đường không còn phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu.
Theo bà con sống ở tuyến Kênh Đài Loan thuộc ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, những ngày qua, triều cường dâng cao gây vỡ một số đoạn bờ bao vuông nuôi tôm, tuyến đường giao thông trong ấp bị ngập sâu, mặt đường bông tróc, nhiều phương tiện xe hai bánh bị té ngã, học sinh đi học gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Trần Quang Quốc, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới cho biết những ngày qua trên tuyến kênh Đài Loan triều cường lên, mặt đường trơn trợt, học sinh đi học gặp rất nhiều khó khăn, rác thải tấp vào bờ gây ô nhiễm môi trường.
Tại xã Đông Hưng, những ngày qua, mực nước trên các tuyến sông lên cao đã thu hẹp độ thông thuyền của các cống xuyên lộ và một số cầu nông thôn, làm cho việc lưu thông của các phương tiện thủy trở nên khó khăn hơn.
Nhiều nhà dân ấp Giá Ngư bị ngập do triều cường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh buôn bán.
Riêng tuyến lộ Tân Duyệt từ cống Bào Tròn đến sông Bảy Háp thuộc địa bàn ấp Giá Ngự, cũng bị ngập với chiều dài 1.100 mét, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân nơi đây.
Anh Trần Văn Tuấn, ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng cho biết: triều cường lên, các phương tiện đường thủy đi qua cống Bào Tròn không đươc phải nhờ những người tham gia giao thông trên đường, phụ giúp kéo phương tiện võ máy qua lộ. Nước ngập tràn qua lộ vào nhà không kinh doanh, buôn bán được ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình.
Là một trong những hộ dân có diện tích nuôi trồng thủy sản bị thất thoát do triều cường lên cao. Chị Quách Ngọc Phim, ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng cho biết: Với diện tích đất sản xuất gần 01 ha, gia đình áp dụng nuôi tôm cua xen canh, mặc dù đã chủ động gia cố bờ bao vuông nuôi tôm, nhưng do khu vực này trũng thấp; khi triều cường lên cao, nước ngập cả bờ bao, làm cho tôm cua thất thoát rất nhiều.
Có thể thấy, do tác động của biến đổi khí hậu nên mỗi năm triều cường dâng lên ngày càng cao, gây hư hỏng nặng nề đến hệ thống giao thông nông thôn, tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cho nhân dân.
Tiểu thương Chợ Đầm Cùng, xã Trần Thới bị ảnh hưởng do triều cường.
Để chủ động ứng phó với triều cường, bảo vệ sản xuất và đời sống, Chủ tịch UBND huyện có văn bản đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn theo dõi sát tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao vuông nuôi tôm, cống bọng, hạn chế nước tràn bờ; kê cao tài sản, hàng hóa hoặc di dời để tránh ngập gây hư hỏng; tích cực khơi thông cống, rãnh để tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường khu vực xung quanh nhà ở, để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh. Đồng thời, kịp thời huy động lực lượng giúp dân khắc phục thiệt hại nặng trong trường hợp đột xuất gây thiệt hại lớn do triều cường gây ra./.