Cuộc diễn tập được thực hiện với tình huống giả định: Cơn bão số 5 đi vào đất liền, với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó xã Tân Hưng huyện Cái Nước là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Cuộc họp Ban chỉ huy vận hành cơ chế ứng phó với bão
Cuộc diễn tập được thực hiện gồm hai phần: phần vận hành cơ chế của Ban chỉ huy phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Tân Hưng, nhằm triển khai kế hoạch và phân công lực lượng ứng phó với bão số 5 theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẳn sàng”, nhằm đảm bảo công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẻ giữa các lực lượng giúp dân phòng tránh bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của Nhân dân do bão gây ra. Phần thực hành gồm các phần việc: Thực hành chằng chống nhà ở; Tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi trú ẩn an toàn; Tổ chức huy động lực lượng cứu sập nhà ở của nhân dân; Hướng dẫn thực hành gia cố đê bao, xử lý sạt lở; Khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đây là lần đầu tiên huyện Cái Nước tổ chức diễn tập thực hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quy mô cấp huyện. Qua đó giúp các xã, thị trấn; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cái Nước nâng cao năng lực lãnh, đạo điều và khả năng phối hợp giữa các lực lượng trong việc ứng phó với thiên tai; góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc chủ động phòng tránh với thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Dân quân tự vệ thực hành chằng chống nhà ở
Ông Nguyễn Văn Trí, ấp Tân Bửu bộc bạch: Qua theo dõi diễn tập tôi thấy rất hữu ích, nhất là kỹ thuật chằng chống nhà ở để tránh bị sập và tốc mái khi có bão và lốc xoáy. Sau diễn tập này, tôi về phổ biến cho gia đình, con cháy và bà con trong xóm làm ngay, bởi thời tiết bây giờ phức tạp lắm, khó mà lường trước được.
Lực lượng y tế thực hành cứu thương
Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy phòng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cái Nước cho rằng: Việc diễn tập thực hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là rất cần thiết, giúp cho các địa phương xây dựng kế hoạch cho địa phương mình chặt chẻ hơn, biết được cách làm và năng lực điều hành, phân công lực lượng khi có sự cố thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là tình huống giả định, trong thực tế sự cố thiên tai sẽ khó lường trước được. Do vậy, vấn đề cần làm ngay là các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chằng chống lại nhà ở, nhất là đối với những hộ có nhà ở còn tạm bợ, không đảm bảo an toàn; có phương án sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới và dông lốc gây ra. Cả hệ thống chính trị và toàn dân phải luôn luôn nêu cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẳn sàng”. Ứng phó với thiên tai phải nêu cao ý thức phòng là chính.
Theo thống kê, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện Cái Nước xảy ra 08 vụ lốc xoáy với cường độ mạnh, làm sập và tốc mái 180 ngô nhà và 01 điểm trường Mẫu giáo. Ước thiệt hại tài sản hơn 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt trong đợt dông lốc xảy ra vào rạng sáng ngày 18/8, gia đình ông Hà Văn Thế, ấp Tân Phong xã Đông Hưng có 2 người chết do nhà sập. Trước tình hình trên, việc nâng cao ý thức phòng chống và ứng phó với thiên tai là vấn đề không thể xem nhẹ./.
|