Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn được nhiều người dân xã Trần Thới áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi
Cách trung tâm hành chính huyện Cái Nước 9km về hướng tây nam, xã Trần Thới có 12 ấp. Trên địa bàn xã có tuyến Quốc lộ 1A đi ngang qua dài 5,9km, thuộc địa bàn 3 ấp: Công Trung, Mỹ Hưng và Đầm Cùng. Địa phương bắt tay xây dựng NTM từ điểm xuất phát thấp với nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề từ thực trạng sạt lở, thủy triều dâng...
Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động gần 359 tỷ đồng cho xây dựng NTM (trong đó, nhân dân đóng góp hơn 188 tỷ đồng, chiếm 52,61%), xây dựng đạt 19/19 tiêu chí. Đặc biệt là đầu tư trên 94 tỷ đồng để hoàn thành, đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Hiện, đường xã, đường trung tâm xã đến đường huyện đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Hơn 17,5km đường trục ấp, liên ấp chiều rộng mặt đường tối thiểu 2,5m, phần còn lại gần 33km có chiều rộng mặt đường tối thiểu 1,5m,được xây dựng được cứng hóa, đảm bảo giao thông. Đường thủy thuận lợi, thông thoáng, phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa. 100% đường ngõ xóm tổng chiều dài hơn 77km được bê-tông hóa, chiều rộng mặt đường 1,2m - 1,5m. Xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân phát quang, vệ sinh môi trường dọc theo các tuyến đường giao thông, đảm bảo giao thông thông thoáng. Công tác duy tu, sửa chữa, kè chắn chống sạt lở công trình giao thông được thực hiện khá tốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình khai thác sử dụng.
Lộ giao thông nông thôn thông thoáng, nối liền xóm ấp
Ông Lê Văn Kế, Giám đốc HTX vèo tôm hai giai đoạn, ấp Nhà Vi, cho biết: “Nhờ NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn khởi sắc, đời sống bà con khá hơn, đường sá lưu thông thuận tiện, tạo điều kiện thông thương hàng hóa dễ dàng. Mặt khác, người dân còn được hưởng lợi ích thông qua nhiều chương trình, dự án, giúp bà con áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Riêng với hoạt động của HTX, mang lại hiệu quả kinh tế cho xã viên, thu lợi nhuận bình quân từ 10 - 20 triệu đồng/người/đợt vèo (tùy số lượng ao vèo của xã viên). HTX còn là cầu nối cung cấp con giống chất lượng, hiệu quả cho bà con trong xã, các địa bàn lân cận, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả tôm nuôi”.
Đặc biệt, thời gian qua, xã Trần Thới đã xây dựng chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình phát triển thương mại - dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển. Thường xuyên vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, kinh tế hộ gia đình và từng bước phát triển kinh tế hợp tác. Xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả: Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm - cua - sò huyết kết hợp, chăn nuôi gia súc gia cầm, cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân được vay vốn các tổ chức tín dụng phát triển sản xuất. Từ đó, hàng năm hộ khá giàu đều tăng, hộ nghèo, cận nghèo giảm; nâng mức thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 50,63 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,97% và tỷ lệ hộ cận nghèo 0,87%.
Tổ hợp tác nuôi sò huyết ấp Đông Mỹ góp phần giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể ngoài cua, tôm
Theo UBND xã Trần Thới: “Qua quá trình triển khai xây dựng NTM, xã Trần Thới rút ra được một số kinh nghiệm. Đó là, phải làm tốt công tác quán triệt và nắm vững chủ trương, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng và lợi ích của Chương trình xây dựng NTM từ trong cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, để làm cơ sở thống nhất ý chí và đồng thuận thực hiện. Phát huy nội lực, chủ động tổ chức thực hiện, huy động được mọi nguồn lực toàn xã hội tham gia, trong đó có nguồn lực tại chỗ, nguồn lực trong nhân dân đóng vai trò quyết định hiệu quả và tính bền vững của Chương trình xây dựng NTM; khắc phục tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại. Phải tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn phát triển toàn diện, vững chắc với chất lượng, hiệu quả cao, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, làm cho nhân dân thấy được lợi ích thiết thực từ chương trình mà tự giác tham gia. Đây là yếu tố quyết định để giữ vững và nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM. Xây dựng NTM phải lồng ghép với các chương trình, phong trào khác tại địa phương: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “5 không, 3 sạch”, mô hình “Dân vận khéo”... Tăng cường công tác kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí, thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, hạn chế và phát huy những kết quả đạt được, tập trung chỉ đạo đạt kết quả cao nhất”./.