THOÁT NGHÈO NHỜ CHÍ THÚ LÀM ĂN VÀ SỰ TRỢ LỰC TỪ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
Sau khi kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng chị Sương gặp nhiều khó khăn thuộc diện hộ cận nghèo của xã Đông Thới. Nhờ biết chút ít về nghề làm tôm khô từ gia đình, vợ chồng chị tự mày mò công thức chế biến tôm khô thành phẩm, mong muốn kiếm thêm thu nhập.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thới tham quan mô hình làm tôm khô của chị Nguyễn Tú Sương (chị Sương mặc áo đen bìa phải)
Chế biến được tôm khô thành phẩm ngon, đạt chất lượng, được khách hàng ủng hộ; chị Sương đã mạnh dạng đến chào mời sản phẩm tại các điểm thu mua tôm khô trong và ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Tú Sương, ấp Bào Tròn, xã Đông Thới nói: “Ban đầu chưa có vốn nên mỗi con nước chỉ thu mua chừng 10kg tôm tươi về làm thử rồi mang sản phẩm tôm khô đi chào hàng tại nhiều cơ sở thu mua ở trong tỉnh và được khách hàng chấp nhận, tin tưởng về chất lượng nên đã ủng hộ và đặt hàng. Thấy vậy, vợ chồng tôi đã mạnh dạng đăng ký với Chi hội Phụ nữ ấp vay vốn để thu mua tôm về làm”.
“Kể từ năm 2013 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thới đã liên tục hỗ trợ vốn nội lực và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ cho chị vay 4 đợt với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Mỗi đợt vay vốn, vợ chồng chị đều sử dụng vốn đầu tư cho sản xuất như: xây lò luộc tôm, giàn phơi và thu mua tôm nguyên liệu để sản xuất. Khi đến hạn, chị đều thực hiện tốt nghĩa vụ trả lãi, trả gốc và đóng tiết kiệm đúng quy định”.Chị Trương Thị Mai Xuân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thới, cho biết.
Sản phẩm tôm khô của chị Sương sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương nên phụ thuộc vào con nước thu hoạch. Trung bình chị sản xuất hai đợt vào ngày 15 và 30 âm lịch, mỗi đợt kéo dài 7 ngày. Đây là thời điểm bà con thu hoạch tôm nhiều nhất, nên nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
Sau khi đập vỏ, chị Sương thuê các chị em trong xóm thực hiện công đoạn tách đầu tôm và trả công 20 ngàn đồng/kg, giúp chị em có thêm thu nhập từ 100 ngàn đồng/ngày
Quy trình làm tôm khô không nhiều công đoạn, chủ yếu làm thủ công nhưng phải phụ thuộc ào thời tiết, nên hôm nào mưa thì không thể cho ra thành phẩm. Do đó, vợ chồng chị Sương đã thiết kế xây lò sấy tôm khô bằng than với công suất sấy trên 200kg tôm khô thành phẩm chỉ trong thời gian 8 tiếng. Cách làm này đã giúp cho gia định chị sản xuất được liên tục, nhất là vào mùa mưa, chị vẫn có tôm khô cung ứng cho thị trường.
Theo đó, trung bình mỗi tháng, gia đình chị sản xuất trên 200 kg tôm khô thành phẩm, trừ chi phí chị có lãi từ 40 đến 50 ngàn đồng/kg, cho thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Thông qua mô hình này, chị còn góp phần tạo việc làm cho trên 10 chị em phụ nữ lân cận với thu nhập 100 ngàn đồng/ngày.
Hiện Tôm khô tại chỗ chị có giá bán dao động từ 900 đến 1,2 triệu đồng/kg tùy theo kích cỡ. Nguồn cung chủ yếu được chị Sương bỏ mối cho các cơ sở thu mua tôm khô ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận và thành phố Hồ Chí Minh.
Phần đầu tôm chị tận dụng bán làm nguyên liệu nấu ăn với giá 50 ngàn đồng/kg, phần vỏ tôm bán làm thức ăn cho gia cầm với giá 7 ngàn đồng/kg
“Ngoài làm tôm khô, vợ chồng chị Sương còn tích cực sản xuất, nuôi tôm kết hợp tận dụng đất trống quanh nhà trồng rau màu để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ ý chí quyết tâm, cần cù chịu khó trong lao động, gia đình chị Sương đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, vươn lên và có tích luỹ với mức thu nhập cao và ổn định”. Chị Trương Thị Mai Xuân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thới, cho biết thêm.
Với nỗ lực vượt qua nghèo khó cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ kịp thời, đã giúp cho gia đình chị Nguyễn Tú Sương vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong công tác giảm nghèo hiện nay, hộ nghèo luôn được chính quyền và các đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ; nếu biết tận dụng và quyết tâm như chị Sương, công tác giảm nghèo và mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ sớm trở thành hiện thực với hộ nghèo./.