Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thi đua khen thưởng phải hướng vào cơ sở - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo báo cáo của Hội đồng và các ý kiến phát biểu, năm 2020 là một năm rất đặc thù, không chỉ bởi là năm chẵn với nhiều sự kiện và kỷ niệm trọng đại của đất nước; Đại hội Đảng các cấp... mà còn là năm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội nhưng cũng là năm mà công tác thi đua khen thưởng càng sôi động và phát huy vai trò quan trọng.
Các phong trào thi đua phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái qua việc huy động, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trên 2.000 tỷ đồng; những mô hình sáng tạo như “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “Siêu thị 0 đồng”; nghĩa cử cao đẹp của cụ già trên 100 tuổi đã mang tiền ủng hộ chống dịch, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi) tự may khẩu trang để tặng người nghèo...
Công tác khen thưởng được thực hiện bảo đảm kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Năm 2020 đã thẩm định, trình Thủ tướng gần 2.900 tờ trình khen thưởng; thực hiện gần 1.700 quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, gần 1.000 quyết định khen thưởng của Thủ tướng.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng, năm 2020, chúng ta có nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoàn thành toàn diện vượt mức các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong thành quả chung ấy, có sự đóng góp trực tiếp của công tác thi đua khen thưởng của các cấp, các ngành.
Đặc biệt, Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc được tổ chức thành công, tạo khí thế thi đua sôi nổi trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Như lời đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - một sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, một dấu mốc trên con đường phát triển của phong trào thi đua yêu nước của cả nước”.
Hoạt động của Hội đồng và cơ quan Thường trực Hội đồng đạt được nhiều kết quả, bám sát phương hướng, nhiệm vụ đề ra; tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Công tác quản lý Nhà nước về thi đua khen thưởng được tăng cường, việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng được tập trung thực hiện. Trong năm 2020, Hội đồng tổ chức 4 phiên họp; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị; triển khai xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định pháp luật có liên quan....
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng năm 2020 còn có những hạn chế. Việc khen thưởng đột xuất, khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động tuy đã có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương... Phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, nội dung chưa phong phú, thiết thực.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Trong đó, tổng kết phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Việc này cần làm thường xuyên hơn để “lấy cái tốt át cái xấu”.
Nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng.
Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch; đặc biệt cần chống tiêu cực trong thủ tục khen thưởng, cần nhanh chóng, thuận lợi, công khai, minh bạch, nêu gương. “Thi đua khen thưởng phải hướng vào cơ sở”.
Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tinh gọn, hiệu quả, theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị.
Sắp tới, cùng với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cũng sẽ có sự kiện toàn. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng, bộ phận thường trực Hội đồng cần rà soát các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch công tác một các kỹ càng và tham mưu tốt để bảo đảm tính kế thừa, liên tục và thông suốt trong công tác quan trọng này.
“Đến giờ này, có thể khẳng định rằng, tất cả các thành viên Hội đồng chúng ta đã hoàn thành tốt mọi công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, định kỳ, nề nếp, kỷ cương, kỷ luật, đúng pháp luật và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói./.