Dốc sức vì quê hương
Ông Ba Khanh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mới 11 tuổi, ông đã nhận nhiệm vụ làm giao liên cho xã. Dẫu còn nhỏ tuổi nhưng ông Ba Khanh được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động xã Tân Hưng.
Năm 1956, hội nghị cấp uỷ đang diễn ra thì bất ngờ quân địch biệt kích xông vào cuộc họp. Để cứu nguy, ông Ba Khanh tức tốc chạy sang hướng khác để đánh lạc hướng chúng. Nhưng chạy không xa, ông đã bị tóm gọn giải về đồn Rau Dừa. Thời gian ông bị tù đày là lúc vợ ông (cũng tham gia cách mạng) mang thai người con thứ hai.
Sau khi trả tự do, ông được phân công làm Phó Ban Tuyên truyền của xã. Nối tiếp theo cha, 2 người con đầu của ông cũng tham gia cách mạng khi mới 12-13 tuổi. Ngày giải phóng, cả 4 người đều là thương binh mang trên người nhiều thương tích.
Ghi nhớ sâu sắc lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Ba Khanh tích cực tham gia hoạt động xã hội và hăng say lao động để nuôi dạy các con nên người. Năm 1975, ông đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng Ban Kinh tế huyện Trần Văn Thời và sau đó chuyển sang làm giám đốc công ty giống cây trồng đến khi về hưu.
Về hưu, vừa cống hiến cho địa phương, ông Ba Khanh vẫn luôn động viên con cái chăm chỉ học hành để trở thành người có ích cho xã hội. Nhờ sự dạy dỗ và định hướng của ông, 2 người theo cách mạng và 8 người còn lại đều đỗ đạt thành danh.
Ươm mầm thế hệ sau
Ông Ba Khanh vận dụng kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ thực hành ngay trên mảnh đất của gia đình mình. Với 20 công đất ruộng, ông là người tiên phong trồng lúa 2 vụ ở địa phương, đạt năng suất khá cao. Thời điểm đó, mỗi vụ ông thu hoạch gần 5 tấn lúa/ha.
Sau khi chuyển dịch sang nuôi tôm, ông Ba Khanh tiếp tục đi đầu trong nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với nuôi cua. Quyết tâm không để đất trống, ông đào ao nuôi cá; lên liếp lập vườn để trồng rau màu và cây ăn trái. Ngoài ra, ông còn ươm cây giống bán cho bà con xung quanh.
Nhờ cần cù, siêng năng, năm nào, ông Ba Khanh cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Ba Khanh nói đùa: “Nếu như dùng số tiền bán lúa đem mua vàng hoặc mua thêm đất thì chắc tôi cũng thành đại gia đó chớ. Nhưng do quan niệm cho các con, các cháu “con chữ” nên tôi dốc sức nuôi con, rồi đến nuôi cháu ăn học đến nơi đến chốn. Mỗi lần có đám tiệc, tôi đều tập trung cháu ngoại, cháu nội để khuyên nhủ chăm lo học hành. Và để thôi thúc tinh thần hiếu học, tôi thường xuyên tặng các cháu chút tiền, phần quà khi tụi nhỏ được khen thưởng cuối học kỳ. Rồi tôi lấy tấm gương đó để nhắc nhở các cháu còn lại. Nếu thi đỗ đại học, tôi sẽ giành phần thưởng có giá trị hơn".
Ngồi trong căn biệt thự bên cạnh con kinh Lung Mướp, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, ông Ba Khanh chỉ tay ra phía sau nhà, hồ hởi khoe: “Nhờ miếng vườn với mấy công đất đó mà tôi đã thu về “trái ngọt”. Các con tôi giờ đã là những công chức, viên chức gương mẫu. Cháu nội, ngoại đều tốt nghiệp trung cấp trở lên, nhiều đứa đã có bằng cao học”.
Ông Ba Khanh không chỉ sản xuất giỏi mà còn là “người lái đò” tài năng. Ông đã lái con thuyền đưa các con, cháu đến bến bờ tri thức.
Chị Phan Thị Thuỳ Dương, cháu ngoại của ông Ba Khanh, nói: “Hai chị em tôi đều đã tốt nghiệp đại học và đang học cao học. Mỗi lần về thăm ông ngoại, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi ông vẫn còn khoẻ mạnh. Nhờ những lời động viên và chỉ dạy của ông nên tôi mới được như ngày hôm nay”.
Ông Ba Khanh không những là niềm tự hào của dòng tộc mà còn của địa phương. Ông đã nhận rất nhiều bằng khen từ cấp Trung ương đến địa phương. Trong đó, ông trân quý nhất là Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và danh hiệu Dòng họ hiếu học mà ông được tặng thưởng./.