Với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, giá cả bình dân, thức ăn đường phố đã đáp ứng nhu cầu đối với nhiều người tiêu dùng. Đây là điều kiện để nghề kinh doanh thức ăn nhanh, mà nhiều người quan gọi là thức ăn đường phố có điều kiện phát triển. Chỉ mức giá từ 10 đến 20 ngàn đồng, người tiêu dùng có thể chọn mua được các loại thức ăn nhanh, được bày bán mọi lúc, mọi nơi, nhất là các khu vực chợ, trường học, bệnh viện, bến đò và bến xe; sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của thực khách.
Hiện nay, tại các khu vực trường học trên địa bàn huyện, cùng với hàng quán đua nhau mọc lên, hình thức mua bán lưu động theo kiểu hợp tan nơi nào cũng có. Tại đây, các loại bánh kẹo với đủ màu sắc, mẩu mã và hương vị được bày bán, gây sự chú ý đối với các em học sinh nhưng chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ thì chưa ai có thể khẳng định được. Các điểm bán thức ăn nhanh hầu hết được bày bán trên vỉa hè, lề đường, không được che chắn lỹ lưỡng, người bán không hề trang bị cho mình bất cứ một dụng cụ bảo hộ, không ít trường hợp dùng tay trần để bóc thức ăn. Đáng nói hơn, việc mua bán thức ăn nhanh được bày bán ngay dưới mặt đường, trước cổng bệnh viện và trên các tuyến đường đang xây dựng đầy bụi khói. Từ đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khoẻ cho con người từ thức ăn đường phố là rất đáng lo ngại.
Điều đáng nói ở đây là phấn lớn các loại hàng hoá từ thức ăn, nước uống cho đến đồ chơi của trẻ em phần lớn không có nguồn gốc, nhãn mác và xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng các ngành chuyên môn ít khi để ý đến, thậm chí không hề kiểm tra trong các đợt ra quân kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù đến nay trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng các loại thức ăn được bày bán tại các điểm trường, tuy nhiên việc sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng, ai dám đảm bảo rằng là không ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Thực tế ở một số tỉnh thành trong nước, tình trạng thức ăn nước uống do Trung Quốc sản xuất có chứa độc tố đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo. Do đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm và gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, các điểm trường học đều có quy định hạn chế tình trạng học sinh mua và sử dụng các loại thực phẩm ngoài đường khi đến trường. Tuy nhiên, việc mua hay không còn tuỳ thuộc vào ý thức của gia đình và các em. Thầy giáo Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cái Nước I cho biết: “Nhà trường cũng đã tiến hành thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng các em học sinh mua và sử dụng các loại thực phẩm được bày bán xung quanh các điểm trường. Đồng thời, vào những buổi họp phụ huynh học sinh, nhà trường cũng đã trao đổi rất nhiều về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ, khuyến khích phụ huynh nên cho trẻ ăn sáng tại nhà và hạn chế mua cho trẻ các loại thức ăn được bày bán trên đường và xung quanh khu vực nhà trường để đảm bảo sức khỏe cho trẻ”.
“Ngoài nguy cơ ngộ độc, thì các bệnh tả, tiêu chảy cũng rất dễ xảy ra đối với những người hay ăn thức ăn đường phố. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý và kiểm soát các hoạt động buôn bán và việc xử lý thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được siết chặc. Việc xử lý vi phạm hành chính chưa thật sự khả thi. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chính là do đa số người kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố là những người có thu nhập thấp, nên khi có sai phạm và bị xử phạt hành chính thì họ khó hoặc sẽ không thực hiện được” - Kỹ sư Quách Văn Dự, Trưởng Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm Trung tâm y tế huyện Cái Nước cho biết.
Trong khi chưa có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, việc quản lý và kiểm soát các hoạt động buôn bán loại hình thức ăn đường phố còn dễ dãi, vấn đề đặt ra là mỗi người cần phải nêu cao ý thức, nhất là các bậc phụ huynh nên có sự lựa chọn loại thức ăn phù hợp, đảm bảo an toàn để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và con em của mình./.