Ông Trương Văn Lễ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp An Hưng cho biết: Hiện tại, việc đi lại của bà con nơi đây chủ yếu bằng xuồng máy và việc sử dụng điện thắp sáng là điện chia hơi với giá cao nhưng không đảm bảo an toàn. Ban đầu dân ở đây cũng đổ trụ bê tông để kéo điện nhưng chỉ được vài năm thì hư hỏng. Sửa chữa, chắp vá để chờ điện hạ thế và rồi những trụ bê tông do nhân dân tự đổ rồi cũng gãy đổ theo thời gian, người dân không còn khả năng sửa chữa, phải dùng cây gổ địa phương để chống chọi để xài tạm. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại UBND xã, địa phương đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị các cấp xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mỗi lần tiếp xúc cử tri là tôi lại nói, nói hoài, rồi hứa hoài, gần 20 năm rồi còn gì. Riết rồi giờ đi nói chuyện với bà con người ta không tin tưởng nữa, vì người ta nói mình nói dóc.
Ấp An Hưng, xã Trần Thới hiện có 264 hộ dân sinh sống. Toàn ấp chỉ có 107 hộ được sử dụng điện kế chính, còn lại 157 hộ phải sử dụng điện chia hơi không đảm bảo an toàn. Hiện nay, tại tuyến kênh Bào Trấu, người dân phải sử dụng điện chia hơi với nhiều giá khác nhau. Tuỳ theo đường điện xa gần mà giá điện tính từ 5.000 - 15.000 đồng/KWh.
Ông Võ Văn Dũng, ấp An Hưng, xã Trần Thới cho biết: Khoảng 12 năm trước, ông cùng 4 hộ dân trong xóm hùn tiền với nhau xin kéo điện chia hơi vượt sông từ xã Việt Thắng qua sông Bào Trấu, chiều dài trên 70 mét, với số tiền 28 triệu đồng. Ban đầu, có 4 hộ sử dụng, về sau thấy nhiều hộ lân cận không có khả năng kéo điện nên ông chia cho bà con, đến bây giờ tuyến điện của ông có tới 9 hộ sử dụng. Nhà tôi hiện xài mấy cái bóng đèn, 1 ti-vi, 1 mô-tưa bơm nước với 2 cây quạt gió và 1 cái tủ lạnh, mỗi tháng đóng trên dưới 1.000.000 đồng. Ban đêm chỉ mở được 1 bóng đèn thôi, vì điện yếu quá.
Bà Trương Ngọc Lan, ấp An Hưng, xã Trần Thới bộc bạch: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, hàng ngày tôi đặt lú dưới sông để kiếm sống. Nhà chỉ sử dụng nồi cơm điện, 1 cây quạt gió và 2 bóng đèn, nhưng mỗi tháng phải trả từ 300 đến 400 ngàn đồng tiền điện, nhiều lúc không có tiền đóng tiền điện, phải đi vay mượn để đóng”.
Dù sử dụng điện tiết kiệm nhưng mỗi tháng bà Lan phải trả trên 300 ngàn đồng tiền điện
“Ở đây chúng tôi sài điện tiết kiệm lắm, ban đêm chỉ dám bắt có 1 bóng đèn thôi. Vào giờ cao điểm muốn sài ti vi, quạt gió hay mô tơ bơm nước thì không sử dụng được vì điện yếu quá. Điện cứ chớp tắt liên tục như vầy thì đồ diện mau hư lắm, cứ cách vài tháng là phải thay bóng đèn. Hổm giờ nhà tôi muốn mua cái tủ lạnh để bảo quản thức ăn mà cũng không dám mua, vì mua rồi thì điện đâu mà sài”, ông Trần Văn Tửu ấp An Hưng, xã Trần Thới so sánh.
Ông Lưu Văn Hậu, ấp An Hưng, xã Trần Thới cho biết: “Ở đây từ điện sinh hoạt đến lộ làng đều thua thiệt với nơi khác. Mổi khi ra chợ Đầm Cùng phải đi bằng xuồng máy; đi và về mất hơn 2 lít xăng. Buôn bán giá cả cũng thấp hơn nơi khác khoảng mấy chục ngàn. Ở đầu kênh, người ta mua cua giá 300.000 đồng/kg, còn ở đây chỉ có 220.000 - 250.000 đồng/kg, bởi chi phí đi lại cao. Biết vậy nhưng đành phải bán, chẳng lẽ có con cua, con tôm phải chạy xuồng ra chợ bán.”.
Trao dổi với chúng tôi phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trần Thới ông Liêu Chí Thu cho biết: “Những kiến nghị và bức xúc của bà con chúng tôi cũng đã ghi nhận và làm đề nghị trình về trên để sớm giải quyết nhu cầu bức xúc của bà con”.
Hiện nay, một số hộ tự đầu tư đổ trụ điện bằng bê tông, nhưng đa phần người dân tại khu vực này phải dùng cây gỗ địa phương để kéo điện về nhà để sử dụng. Trải qua thời gian dài, cây gỗ đã mục gãy, nhiều lần đường điện bị đứt do trời mưa dông, rất nguy hiểm đối với người dân. Mong rằng những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân nơi đây sớm được ngành chức năng và cấp có thẩm quyền sớm xem xét giải quyết, giúp cho 73 hộ dân tuyến kênh Bào Trấu xã Trần Thới có được lưới điện hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt được an toàn./.