Với 19 thành viên nồng cốt ban đầu, qua bốn năm thành lập, đến nay HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng do anh Huỳnh Diện làm giám đốc, đã thu hút 39 thành viên không những trong địa bàn xã Tân Hưng mà còn thu hút một số hộ nuôi tôm ở các xã lân cận gia nhập vào HTX. Tổng diện tích sản xuất của HTX hiện có 39 ha. Đây được đánh giá là HTX hoạt động hiệu quả nhất theo mô hình HTX kiểu mới ở huyện Cái Nước.
Anh Huỳnh Diện vận hành chiệc máy chạy quạt tạo ô xy từ nguồn điện 220V chuyển sang 12V
Anh Huỳnh Diện nhớ lại: Ngay sau khi thành lập, HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng triển khai thí điểm bốn ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạc theo công nghệ Biofloc. Đây là công nghệ được áp dụng đầu tiên trong nuôi tôm thâm canh ở huyện Cái Nước. Quy trình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc được thực hiện gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: tôm được ươm trong nhà lưới từ 20-25 ngày, mật độ tôm khoảng 1.000-3.000con/m2. Giai đoạn 2: sau thời gian ươm, tôm được chuyển qua ao nuôi ngoài trời thông qua hệ thống ống xã. Cách nuôi này có những ưu điểm vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giúp nuôi tôm với mật độ cao gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Ngay trong vụ nuôi đầu tiên, anh Diện đã thực hiện thành công. Từ đó anh hỗ trợ cho một số xã viên nuôi đạt kết quả, có điều kiện chuộc lại đất sản xuất do trước đó làm ăn thất bại phải cầm cố hoặc sang bán.
Sau hai vụ nuôi theo công nghệ Biofloc, anh Diện nhận thấy quy trình này chi phí vẫn còn cao và không phát huy tốt hiệu quả đối với vụ nuôi vào mùa mưa. Tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, anh Diện sáng chế và cải tiến thiết bị kỹ thuật để áp dụng, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Lần đầu tiên, anh cải tiến chiếc bơm chìm lắp đặt dưới đầm tôm, khi hoạt động chiếc bơm chìm sẽ hút nước từ dưới đáy ao phun lên và rơi liên tục trên mặt nước, vừa tạo ô xy hiệu quả hơn so với cách chạy quạt nổi, vừa giúp giảm nhiệt độ trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Anh Huỳnh Diện sử dụng bơm chìm tạo ô xy cho nuôi tôm thâm canh phát huy huy quả
Không dừng lại ở đó, để xử lý mầm bệnh trong nước trước khi cung cấp cho đầm nuôi, anh Huỳnh Diện còn áp dụng công vệ UV hay còn gọi đèn tia cực tím để xử lý nguồn nước, mà không cần phải sử dụng ao lắng và hóa chất để xử lý nước như cách làm truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất. Không bằng lòng với kết quả làm được, hai năm qua anh Diện còn tìm tòi áp dụng công nghệ Oxy na nô cực đại để diệt khuẩn thay cho công nghệ UV, giúp khâu xử lý nguồn nước hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.
Trước tác động của đại dịch Covid 19, làm cho gía tôm nguyên liệu trên thị trường sụt giảm mạnh, trong khi giá điện, giá thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản và chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, làm cho người nuôi tôm gặp khó khăn, anh Huỳnh Diện đã có sáng kiến rất hay mà ngay cả những kỹ sư trong ngành điện cũng chưa nghĩ đến. Đó là cải tiến thiết bị kỹ thuật, sử dụng chiếc mô tưa chạy quạt tạo ô xy cho nuôi thâm canh từ nguồn điện 220 vôn, chuyển sang sử dụng nguồn điện 12 vôn (hay còn gọi là băng cực). Giải pháp kỹ thuật này đem lại nhiều lợi ích cho người nuôi tôm, đó là giảm rũi ro, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành thiết bị điện; giúp giảm chi phí đáng kể tiền điện trong sản xuất.
Như vậy, với 5 giải pháp kỹ thuật trong nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh do anh Huỳnh Diện sáng chế áp dụng trong sản xuất, đã giúp cho anh và bà con xã viên HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng tự tin hơn trong sản xuất, kể cả thời điểm khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19 như đã qua. Trong đó, sáng chế cải tiến thiết bị sử dụng chiếc mô tưa nguồn điện 220V chuyển sang 12V để chạy quạt tạo Ô xy, là giải pháp được anh tâm đắc nhất. Hiện tại, anh Huỳnh Diện đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thiết bị này, tiến tới đăng ký nhãn hiệu độc quyền; đồng thời đầu tư mở cơ sở sản xuất, cung ứng thiết bị rộng rãi ra thị trường trong và ngoài nước. Anh Huỳnh Diện phấn khởi cho biết.
Mô hình ao nổi nuôi tôm thâm canh của anh Huỳnh Diện
Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Huỳnh Diện cho biết thêm: Với giải pháp 5 trong 1 mà anh đang áp dụng, vụ tôm anh vừa thu hoạch, với diện tích ao nổi 254 khối nước, anh thu hoạch được 2,9 tấn tôm, loại 100 con/kg. Qua hạch toán cho thấy, với những công nghệ đã áp dụng, giúp anh giảm chi phí tiền điện hơn 30% và chi phí hoá chất giảm 70%. Nhờ vậy, mặc dù giá tôm nguyên liệu đang giảm mạnh nhưng anh Huỳnh Diện vẫn nuôi tôm có lãi.
Từ thực tiễn đã được kiểm chứng trong sản xuất, anh Huỳnh Diện đã và đang hỗ trợ, khuyến cáo xã viên trong HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho phù hợp, để giảm tối đa chi phí, giảm giá thành đầu vào, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chủ động thích ứng với những khó khăn trước mắt thời kỳ hậu Covid 19, tiếp tục duy trì sản xuất, khắc phục tình trạng treo đầm, góp phần thúc đẩy sản xuất ở địa phương phát triển./.