LAN TỎA NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP, NHỮNG VIỆC LÀM TỬ TẾ VÌ CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG
Đã hơn 15 năm qua, ông Biện Minh Tiến, người dân quen gọi chú Tám Tiến, ngụ ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới vẫn miệt mài tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội. Nguyên là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Cái Nước, từng tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, nên sau 2 năm về nghĩ hưu, ông vẫn toàn tâm, toàn lực, tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, để được chia sẻ khó khăn cùng với người nghèo và những mãnh đời bất hạnh.
Ông Biện Minh Tiến (áo trắng) trao quà Tết cho hộ nghèo
Chia sẻ về quá trình tham gia công tác thiện nguyện của mình, ông Biện Minh Tiến cười khẽ đáp: Ở đời có nhiều điều hạnh phúc, nhưng hạnh phúc nhất là có thể chia sẻ bớt khó khăn, vất vả của những người bất hạnh, san sẻ niềm hạnh phúc của mình đến với họ.
Với quan niệm như vậy nên ở cái tuổi “ gối đã mỏi, chân đã chùn” nhưng ông Tiến vẫn cần mẫn đi kêu gọi, quyên góp những suất quà tuy nhỏ bé nhưng ấm áp tình người để tự tay mang đến giúp đỡ cho những mãnh đời còn khốn khó. Ông nỗ lực vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm gần xa mang về giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin; trao quà cho người nghèo nhân các dịp lễ tết; trao học bổng, tặng quần áo, sách vở cho học sinh nghèo,…
Để kêu gọi được sự ủng hộ, tài trợ của các mạnh thường quân giúp đỡ cho người nghèo, theo ông Tiến bản thân người làm công tác thiện nguyện phải luôn trung thực, đặt cái tâm của mình lên trên hết. Nghĩa là sự việc có sao nói vậy, không nói quá sự thật. Ngoài ra, phải nắm chắc địa bàn và chọn đúng đối tượng cần giúp đỡ theo yêu cầu của mạnh thường quân, tạo được niềm tin đối với các nhà tài trợ.
Ông Biện Minh Tiến luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo và những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn (Trong ảnh: Ông Biện Minh Tiến tặng quà cho hộ khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo tại ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới)
Vì vậy, sau 2 năm về hưu tham gia hoạt động thiện nguyện, ông Tiến đã vận động quà và vật chất quy thành tiền hơn 700 triệu đồng, kịp thời trao tặng cho nhiều hộ nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, những người yếu thế trong và ngoài huyện Cái Nước.
Bà Nguyễn Thị Giang, ấp Khánh Tư, xã Đông Thới là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng bị bệnh năng không thể lao động, mọi sinh hoạt và chi tiêu trong nhà đều do một mình bà quán xuyến. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, ông Tiến thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và vận động hỗ trợ vật chất, giúp gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Giang xúc động nói: “Gia đình rất biết ơn chú Tám Tiến. Chú rất nhiệt tình không chỉ riêng gia đình tôi mà còn đối với nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Chú chở gạo và nhu yếu phẩm đến tận nhà không ngại khó khăn”.
Là người đồng hành cùng ông Tiến tham gia hoạt động thiện nguyện, trực tiếp đến trao tận tay những phần quà cho những người khó khăn, anh Huỳnh Khắc Điệp, thành viên nhóm từ thiện “1 ngàn” ở Khóm 1, thị trấn Cái Nước cảm động khi nói về công việc thầm lặng của ông Biện Minh Tiến và nhóm từ thiện trong thời gian qua: “Thời gian qua tôi có cái duyên được gặp chú Tám Tiến ở một chuyến đi từ thiện và cũng kể từ đó chú cháu kết hợp đi trao quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chú Tám rất nhiệt tình, rất thương bà con nghèo”.
Bên cạnh những tấm lòng thiện nguyện góp phần tích cực cùng với địa phương chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội, năm 2022 được đánh dấu là năm có nhiều việc làm tử tế ở huyện Cái Nước được lan tỏa. Câu chuyện về tài xế Nguyễn Hiền Phong, cư ngụ xã Tân Hưng Đông nhặt được chiếc ví của du khách đánh rơi, trong đó có số tiền 4.000 USD, trực tiếp đến công an địa phương trình báo, tìm chủ nhân để trao trả lại, được chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen, đã khơi dạy mạnh mẽ những nghĩa cử đẹp, những việc làm tử tế trong đời sống xã hội với đạo lý “Nghèo tiền, nghèo bạc chứ không nghèo nhân nghĩa”.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho anh Nguyễn Hiền Phong
Khi hỏi về việc không tham của rơi anh Nguyễn Hiền Phong chia sẻ “Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải bươn chãi làm thuê kiếm sống. Nhưng thấu hiểu nỗi buồn của người mất tài sản, Khi nhặt được chiếc ví chứa tiền cùng giấy tờ và trang sức đáng quý nên quyết định trả lại cho người đánh rơi”.
Ngay sau khi câu chuyện về người tài xế Nguyễn Hiền Phong nhặt được của rơi trả lại cho người đã mất, trên địa bàn huyện Cái Nước tiếp tục lan tỏa những ngĩa cử cao đẹp trong đời sống. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Tân Hưng Đông, đã có 4 công dân, bao gồm người làm công và học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đã có những nghĩa cử tương tự, góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa, tính cách đạo đức của con người trong đời sống. Đó là những nghĩa cử, hành động đẹp góp phần đấu tranh đẩy lùi những cái xấu, lòng tham của con ngươi rất đáng quý.
Đề cập đến những tấm gương, những hành động đẹp và nhân văn của anh Nguyễn Hiền Phong và những công dân đã nhặt được của rơi trả lại người bị mất trên địa bàn, ông Lê Kha Nưa, chủ tịch ủy ban nhân dân xã Tân Hưng Đông cho biết: “Lòng tốt của tài xế Phong không chỉ được ghi nhận qua tấm bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng xã hội, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng mọi người. Mong rằng, thời gian tới những việc làm ý nghĩa này sẽ được tiếp tục lan tỏa và phát huy, nhân lên hơn nửa những điều tốt đẹp trong xã hội”.
Có thể thấy những nghĩa cử đẹp, câu chuyện tử tế, những con người biết sống vì cộng đồng, vì mọi người được xem như những hạt mầm nhân văn, làm nảy nở vun đắp cho xã hội thêm những yêu thương, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, làm cho cái thiện lấn dần cái ác, cái xấu. Không ai mỗi sớm thức dậy lại không muốn nhìn một khung cảnh thiên nhiên đẹp, những gương mặt thân thiện trong đời sống và một xã hội đáng sống. Câu chuyện về ông Biện Minh Tiến và anh Nguyễn Hiền Phong sẽ giúp chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Đó là bản chất nhân văn, nhân hậu của con người Việt Nam ta./.