Hiện tại, việc đi lại của bà con nơi đây bằng xuồng máy là chính, còn điện thì cặm cụi “chia hơi”. Ông Võ Văn Ngọc, ấp Tân Tạo, bức xúc: “Dân kinh Chuối Nước dùng cây bạch đàn, tre để kéo dây điện chia hơi, có đoạn lên đến 1.000 m, lòng thòng rất nguy hiểm cho người đi đường. Mỗi lần tiếp xúc cử tri là tôi lại nói, nói hoài, rồi hứa hoài, 15 năm rồi còn gì. Nói tới, nói lui mắc cỡ muốn chết, đợt rồi mời tôi đi tiếp xúc đại biểu Hội đồng Nhân dân, tôi nghỉ, không đi nữa”.
Hiện nay, kinh Chuối Nước người dân phải sử dụng điện chia hơi với “nhiều giá”. Tuỳ theo đường điện gần xa mà giá điện tính từ 5.000-12.000 đồng/kWh.
Ông Lê Văn Bé, cựu chiến binh ấp Tân Tạo, thở dài cho biết: “Tụi nhỏ ra riêng cất nhà ở được một vài năm, không điện, không đường, phải bỏ nhà đi nơi khác kiếm việc làm để sống. Nhà tôi hiện xài 1 bóng đèn, 1 ti-vi, 1 mô-tưa bơm nước với cây quạt gió, mỗi tháng đóng trên dưới 300.000 đồng. Ban đêm chỉ mở được 1 bóng đèn thôi, vì điện yếu quá. Ông Sáu Hải kế bên, xài cũng như tôi mà tháng rồi đóng tới 500.000 đồng. Nói thật, bà con nơi đây khổ dữ lắm, tôm tép thất bát, đến nỗi nhiều lúc không có tiền đóng tiền điện, không đóng tiền lấy điện đâu mà xài, phải vay mượn, đắp tới đắp lui”.
"Năm 2016, trong đợt tiếp xúc cử tri ở xã Tân Hưng Đông, người dân kinh Chuối Nước kiến nghị điện và lộ sao lâu không có, nếu có thì chừng nào có, đừng để người dân thấp thỏm chờ đợi. Ngành chức năng lại tiếp thu ý kiến và hứa sẽ cố gắng. Cấp xã thì nói chưa có vốn; huyện thì bảo đã đưa vô danh sách đầu tư rồi và sẽ có trong thời gian gần nhất. Nhưng nay đã 1 năm 7 tháng rồi, có thấy gì đâu”, ông Nguyễn Văn Hợi, cựu chiến binh ấp Công Nghiệp, trải lòng.
Bà Nguyễn Thị Trải, ấp Ông Khâm, bộc bạch: “Ở đây từ điện sinh hoạt đến lộ làng đều thua thiệt với nơi khác. Đây ra chợ Cái Nước bằng xuồng máy, đi, về mất gần 2 lít xăng, còn có lộ đi xe máy mất chưa được nửa lít xăng. Buôn bán giá cả cũng thấp hơn ngoài kia khoảng mấy chục ngàn. Ở Kinh Sẻ cặp bên, người ta mua cua giá 250.000 đồng/kg, còn bên đây chỉ có 200.000-220.000 đồng/kg, giá như vậy nhưng vẫn phải bán, hổng lẽ có con cua, con tôm phải chạy xuồng ra chợ. Nếu ở đây có điện, có lộ, con cháu học hành đi lại thuận tiện thì còn niềm vui nào lớn hơn nữa đâu!".
Hiện nay, đa phần người dân tại khu vực này phải dùng cây bạch đàn, cây tre để dẫn đường điện chia hơi, câu đuôi, nhiều cây mục, gãy; lộ làng đoạn đi được, đoạn bắc cầu tạm để đi. Mong UBND xã Tân Hưng Đông, UBND huyện Cái Nước và ngành điện sớm giải quyết vấn đề này./.