Mô hình làm chả cá phi của chị Nguyễn Thị Dung, ấp Thị Tường B, xã Hòa Mỹ được hình thành từ năm 2018. Nhờ cần cù, chịu khó và sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, mô hình là chả cá phi của chị Dung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Chị Dung chia sẽ, sau khi tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế gia đình, chị thấy mô hình làm chả cá phi không đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư phù hợp với gia đình và điuề kiện thực tế của địa phương, nên chị quyết định chọn mô hình làm chả để khởi nghiệp. Lúc đầu, do khó khăn về vốn, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ hỗ trợ vốn vay tiết kiệm tín dụng để mua máy móc thiết bị sản xuất. Với sự nỗ lực quyết tâm trong lao động, cơ sở của chị ngày càng phát triển. Cùng với việc phát triển nghề làm chả cá phi, chị còn tận dụng các phụ phẩm để chăn nuôi gà , vịt để tăng thu nhập.
“Trung bình mỗi ngày cơ sở làm chả của tôi cung cấp cho thị trường từ 50 đến 70kg chả cá, với giá 65 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, cơ sở của tôi cũng giải quyết việc làm cho khoảng 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/ tháng”, chị Dung cho biết
Tham gia lớp đào tạo nghề tại nông thôn, nhiều chị em có được việc làm ổn định
Trong quá trình khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất là đa phần các chị em gặp phải đó chính là nguồn vốn. Nắm rõ được vấn đề này, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn vận động thành lập tổ hùn vốn, các mô hình tính dụng tiết kiệm để huy động vốn nội lực, hỗ trợ chị em phát triển sản xuất theo hình thức hỗ trợ vốn xoay vòng hoặc cho vay với lãi xuất thấp. Từ đó, giúp nhiều chị em có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cơ sở Hội đã vận động hùn vốn tiết kiệm số tiền trên 450 triệu đồng, luân phiên xoay vòng cho trên 300 lượt chị em phát triển kinh tế.
Bà Tô Hồng Giang, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Hưng cho biết: “Nhằm giúp cho chị em có được nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, Hội Liên hiệp phụ nữ xã vận động các chi thành thập các tổ tiết kiệm, tổ nuôi heo đất để huy động nguồn vốn để hỗ trợ nhau khi khó khăn về nguồn vốn. Hàng tháng chị em sẽ tiến hành họp và bắt thăm xem chị nào khó khăn thì sẽ hỗ trợ cho chị đó trước. Với cách làm này, hàng năm Hội cũng giúp đỡ cho nhiều chị thoát nghèo bền vững”.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn phối hợp với nghành chuyên môn mở nhiều lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho nhiều lao động nông thôn may dân dụng, đan giỏ nhựa, đan ghế bằng dây đai, làm thảm,…qua đó giúp cho nhiều chị em phụ nữ tìm được việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Chị Lê Thị Tiệp, ấp Trung Hưng, xã Lương Thế Trân cho biết: Ngoài thời gian chăm sóc gia đình, con cái thời gian nhàn rỗi rất nhiều, chị mong muốn tìm được một công việc để kiếm thêm thu nhập. Thấy địa phương có mở lớp dạy nghề đan dây nhựa, chị đang ký học, sau một thời gian chị thành thạo tay nghề bắt đầu nhận nguyên liệu về để đan gia công và bán cho bà con tại địa phương. Trung bình mỗi ngày tôi cũng có thêm nguồn thu nhập từ 100 đến 150 ngàn đồng, đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với nhiều chị em phụ nữ nông thôn. Từ nguồn thu nhập này giúp tôi trang trãi chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình, cuộc sống cũng thay đổi hơn trước rất nhiều”.
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội Liên hiệp phụ nữ đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ giúp đỡ chị em phát triển sản xuất, bước đầu đề án này phát triển được hiệu quả. Tuy nhiên trong điều kiện nguồn lực tại chổ có hạn, rất cần sự hối hợp hỗ trợ của các ngành có liên quan trong việc tổ chức tập huấn chuyển giao kho học kỹ thuật, dạy nghề, truyền nghề; đặc biệt là hỗ trợ chị em tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để chị em có điều kiện đầu tư phát triển những mô hình làm ăn có hiệu quả.
Với bản tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi và sáng tạo trong lao động sản xuất để khởi nghiệp, một khi có sữ hỗ trợ tích cực của các cấp, các nghành, tin rằng phong trào khởi nghiệp của phụ nữ theo Đề án 939 của Chính phủ ở huyện Cái Nước sẽ được phát huy./.