Trước đây hệ thống giao thông trên địa bàn huyện chủ yếu là đường thủy, nên việc đến trường của các em học sinh vùng nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ấp, khóm thành lập ít nhất từ một đến hai điểm trường Tiểu học, do nhân dân tự nguyện hiến đất và đóng góp xây cất, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ông Đặng Hoàng Thái, ấp Cái Giếng, xã Đông Hưng nhớ lại: Trong những năm còn sản xuất nông nghiệp, cuộc sống người dân vùng nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi bước vào năm học mới, chính quyền địa phương vận động nhân dân đóng góp cây lá để sửa chữa trường lớp, để hạn chế mưa tạt gió lùa không làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Bàn ghế học sinh cũng hết sức tạm bợ, đó là những mảnh ván vụn ghép, toàn là cây gỗ tạp sẳn có ở địa phương, hai ba hộ hùn lại đóng một cái bàn. Khó khăn, thiếu thốn, vất vả là thế nhưng phong trào học tập luôn được người dân đặc biệt quan tâm.
Điểm lẻ trường Tiểu học ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông trong thời gian dài đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng nông thôn
Khi nhắc đến điều kiện học tập vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, ông Lê Văn Tám, nguyên trưởng Phòng giáo dục – đào tạo huyện Cái Nước vẫn còn nhớ như in: Lúc bấy giờ, nhân dân tự xây cất trường lớp, ngành giáo dục có nhiệm vụ phân công giáo viên đến giảng dạy, nhưng đội ngũ giáo viên luôn nằm trong tình trạng bị thiếu, không đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho các em học sinh trên địa bàn huyện, thậm chí có điểm trường, mổi giáo viên phải dạy hai lớp/ngày. Mặc dù đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chính quy, cộng với điều kiện cơ sở vật chất còn hết sức khó khăn, nhưng hầu hết đội ngũ giáo viên luôn tâm huyết với nghề, luôn cố gắng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Vào khoảng năm 2000, thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, nhiều điểm trường học ở các khóm, ấp trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng cơ bản, làm cho trường lớp trở nên khang trang hơn. Thời điểm này, cơ sở vật chất trường lớp của huyện Cái Nước nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung bắt đầu bước sang trang sử mới.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các em vùng nông thôn đến trường được thuận lợi hơn, mỗi xã thị trấn duy trì từ hai đến ba trường Tiểu học và mỗi trường có từ 03 đến 05 điểm trường lẻ. Nhờ vậy, huyện Cái Nước không chỉ sớm hoàn thành mục tiêu công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, xóa mù chữ, mà còn góp phần nâng cao trình độ dân trí, tăng cường nguồn nhân lực cho địa phương. Nhiều em học sinh trước đây từng học tập ở các điểm trường lẻ bằng cây lá tạm bợ, nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, nhà nước; luôn tâm huyết và công hiến vì sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Từ đó, sự nghiệp giáo dục – đào tạo huyện không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cái Nước trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ gần 50% so với tổng số trường học trên địa bàn huyện
Hiện nay huyện Cái Nước có 26 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 50% so với tổng số trường học trên địa bàn. Năm 2016, huyện Cái Nước được Bộ giáo duc – đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non. Đây là bước tiến lớn đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo huyện Cái Nước, trong đó vai trò của các điểm trường lẻ là không thể phủ nhận.
Rõ ràng, điểm trường lẻ có vai trò rất lớn trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo thời gian qua, đặc biệt điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn, tạm bợ và điều kiện đi lại của người dân vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu các điểm trường lẻ đã dẫn đến nhiều bất cập đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngày càng đông, chi phí cho con người tăng cao dẫn đến bội chi, không còn nguồn lực để đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, công tác quản lý thiếu chặt chẻ, chất lượng đào tạo không đồng đều,…
Trước thực trạng trên, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chủ trương phải tiến hành sắp xếp lại mạng lưới trường lớp bằng cách xoá điểm trường lẻ và sáp nhập một số điểm trường để thành lập điểm trường có nhiều cấp học và tinh giảm đội ngũ giáo viên ngay trong năm học 2018-2019; xem đây là một cuộc cách mạng mới trong việc đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo ở Cà Mau. Trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp khó khăn, vướng mắc nhưng nhất định phải thực hiện.
Theo tinh thần đó, trong những tháng qua, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng giáo dục và đào tạo tham mưu, tiến hành rà soát, thực hiện lộ trình sắp xếp trường lớp gắn với xoá điểm lẻ, để chuẩn bị cho năm học 2018-2019. Theo kế hoạch, năm học này, huyện Cái Nước sẽ xóa 14 điểm trường lẻ có số lượng học sinh thấp, không đảm bảo để xếp lớp. Dự kiến đến năm học 2020 – 2021, huyện Cái Nước chỉ duy trì tối đa 10 điểm trường lẻ.
Việc xóa điểm trưởng lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp tại các điểm trường chính, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh, hướng đến mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là quy luật tất yếu trong điều kiện hiện nay. Bởi các điểm trường lẻ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đối với công tác phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ và đã đến lúc yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện cho các em học sinh trong điều kiện tốt nhất./.