“Nhà khảo nghiệm lúa giống”
Nhà nghèo, anh em đông, thời trẻ, ông Mai Văn Quốc lập nghiệp trong tình cảnh “không tấc đất cắm dùi”, phải đi thuê đất làm ruộng. Bao công sức, mồ hôi gia đình ông đã đổ mới tích góp mua được hơn 1ha đất sản xuất hiện tại, bởi thế ông quý đất hơn vàng. Buổi trò chuyện của chúng tôi cùng nông dân sản xuất giỏi Mai Văn Quốc cũng chỉ xoay quanh đề tài về đất.
Không ngẫu nhiên mà nhiều năm liền phần đất sản xuất của ông Quốc được Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng miền Nam và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh tin tưởng, chọn làm điểm khảo nghiệm giống lúa chịu mặn phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Đó là cả quá trình lao động cật lực, nghiêm túc. Kể từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ông Quốc làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm đều đạt hiệu quả cao, dù thời tiết có lúc bất lợi.
Trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu giống lúa chịu mặn, ông Quốc được các đơn vị trao quyền quyết định về quy trình rửa mặn, cải tạo đất, thời vụ gieo cấy và kỹ thuật chăm sóc, bón phân. Bằng trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn, ông góp phần giúp các đề tài nghiên cứu thực hiện thành công. Trên cơ sở đó, các đơn vị chọn lựa để sản xuất mở rộng, cung cấp giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng cao cho nông dân sản xuất một vụ lúa trên những vùng đất bị nhiễm phèn mặn và vùng đất sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm: ST Cà Mau 1, ST Cà Mau 2, OM5451, ST24...
Hàng năm, ông Quốc thực hiện khảo nghiệm thành công từ 70 - 100 giống lúa. Để sản xuất đạt hiệu quả, ông Quốc thực hiện kỹ khâu làm đất, nhất là rửa mặn, rồi chia theo ô để sạ từng loại giống. Trong quá trình chăm sóc, ông ghi chép hẳn hoi, tuân thủ theo đúng quy trình của ngành chuyên môn hướng dẫn. Dần dà ông thuộc nằm lòng các giai đoạn phát triển của từng giống lúa, cũng như cách chăm sóc và áp dụng hiệu quả vào sản xuất cho gia đình, với năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha.
Nhiều năm làm nhà... khảo nghiệm, ông Quốc được tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng họ trực tiếp lội đồng thăm lúa, nghe họ phân tích cái được, cái chưa, ông Quốc học được nhiều điều hay... và trở thành kỹ sư tay ngang, áp dụng thành công mô hình đa cây con trong sản xuất của gia đình. Đồng thời, ông còn nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều bà con nhân rộng những giống lúa mới, cây trồng thích hợp trên vùng đất nuôi trồng thủy sản, mang lại kinh tế ổn định.
Đồng hành cùng nông dân
Là một nông dân, ông Quốc tâm niệm, cách tốt nhất để học tập và làm theo Bác là không chấp nhận đói nghèo, nỗ lực mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông duy trì mô hình trồng rau màu trên bờ vuông, thu nhập hàng năm vài chục triệu đồng - mô hình đã được nhiều nông dân trong vùng nhân rộng. Bên cạnh nuôi tôm quảng canh, ông Quốc còn kết hợp thả nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, đạt hiệu quả khá cao, vụ mùa năm rồi gia đình thu hoạch tôm càng xanh được gần 40 triệu đồng. Cách bán tôm của ông Quốc cũng được tính toán bài bản. Ông cũng “lên” tôm đồng loạt, nhưng không bán liền, mà phân cỡ rồi rọng lại trong các ao sau nhà, để bán tôm tươi sống cho các mối lái, được giá cao.
Làm ăn riêng lẻ, ông Mai Văn Quốc nhận thấy bà con mình chịu thiệt thòi, trước tiên là về giá mua con giống, vật tư, phân bón, lỗ từ 15-20%; tiếp nữa là khâu thu hoạch, hay đầu ra nông sản đều khó khăn. Thế là, năm 2012, ông đứng ra vận động 12 hộ dân thành lập tổ hợp tác. Nhờ sự đoàn kết, hiệu quả trong sản xuất, đến năm 2016, Tổ hợp tác đủ điều kiện nâng lên Hợp tác xã (HTX), lấy tên Quyết Tiến, với 18 thành viên và ông Quốc được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Nhà ông Mai Văn Quốc có nơi ương chứa tôm giống, để phục vụ cho xã viên
Điều đáng nói ở ông Quốc là trong quá trình vận động thành viên vào HTX, ông không chỉ chọn người đất nhiều, khá giả, mà nhắm đến đối tượng chịu khó, chí thú làm ăn. Ông Quốc tính toán: “Ở đây nông dân đất ít, nên cần tính toán kỹ trong sản xuất. Đất bờ vuông chiếm khoảng 30% diện tích đất, nếu bà con không siêng năng, không biết tận dụng thì phí lắm”. Ông Châu Văn Phến, thành viên HTX, cho biết: “Nhà tôi chỉ có 5 công đất sản xuất, kinh tế bao năm gặp khó khăn, nhờ tham gia HTX, được hỗ trợ lúa giống, tôm giống, trả chậm tiền phân bón, vật tư; lại còn được anh Quốc nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng màu trên bờ vuông, thả tôm càng xen canh, mà thu nhập được ổn định, gia đình tôi trả được nợ ngân hàng, chuẩn bị cất nhà mới”.
HTX thường họp vào đầu vụ và sau thu hoạch, nắm tình hình từng thành viên cần hỗ trợ hay gặp khó gì để đưa ra tháo gỡ. Sau thu hoạch thì từng người báo cáo kết quả sản xuất, rút kinh nghiệm, để thực hiện tốt hơn ở vụ sau. Cuộc họp có mời cán bộ nông nghiệp đến tập huấn kỹ thuật, hoặc giải đáp thắc mắc của bà con trong quá trình sản xuất. Những thành viên khó khăn, hàng năm đều được ông Quốc tranh thủ với Phòng Nông nghiệp huyện xét hỗ trợ tôm giống, lúa giống. HTX đứng ra hợp đồng mua phân bón, vật tư cho các thành viên sử dụng, đa phần đến kết thúc vụ mùa mới hoàn trả lại. Nói vốn của HTX, chứ thật ra các thành viên chưa có điều kiện góp vào, chỉ do ông Quốc và ông Huỳnh Hoàng Anh, Phó Chủ tịch HTX, hùn nhau. Hai ông còn xuất tiền túi mua máy suốt, máy cày và dự định mua thêm máy cắt lúa xếp dãy, để HTX thuận tiện trong khâu thu hoạch mùa vụ tới.
Ông Mai Văn Quốc (phải) và ông Huỳnh Hoàng Anh vui mừng vì vụ bí trồng trên bờ vuông trúng mùa
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quốc vui mừng khoe trụ sở của HTX sắp hoàn thành. Trụ sở được xây trên phần đất của ông Hoàng Anh, do ông Quốc vận động và góp vốn, công sức cùng thực hiện. Tới đây, HTX sẽ có chỗ nơi chứa phân bón, vật tư, nông sản đàng hoàng. Ông Quốc cho biết, HTX đang hướng tới phát triển chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch và ông sẽ vận động thêm thành viên, mở rộng diện tích canh tác, vì hiện tại tổng diện tích HTX chỉ 35ha, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Và còn nhiều lo toan về quy trình kỹ thuật, chọn giống lúa để HTX vực dậy xứng tầm, được ông Quốc vẽ ra thực hiện.
Những ngày này, nông dân xã Thạnh Phú đang cải tạo đất, chuẩn bị cho vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ông Mai Văn Quốc lại bận rộn đi tư vấn cho bà con cách rửa mặn, gieo sạ và chăm sóc để lúa đạt năng suất, chất lượng cao.
Năng động, sáng tạo trong từng cách nghĩ, cách làm, hỗ trợ nông dân cùng phát triển, ông Mai Văn Quốc được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, trao tặng cho các thành tích: Thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác; trong tổ chức và thực hiện mô hình “Dân vận khéo”; Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2015 - 2020 và thành tích tiêu biểu qua các phong trào thi đua, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020.