Sau khi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế từ thực tế, năm 2014, cầm trong tay vỏn vẹn 10 triệu đồng do gia đình giúp đỡ, anh Lâm Văn Mãi đầu tư nuôi 300 kg sò huyết giống. Cuối vụ, trừ chi phí, anh Mãi còn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Theo anh Mãi, nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm không cần xử lý, cải tạo môi trường nuôi. Cách làm cũng đơn giản, chỉ cần dùng lưới vây quanh với chiều cao hơn mặt nước 0,2 m để ngăn không cho sò ra bên ngoài. Không cần cho ăn hay hoạt động chăm sóc nào khác, chỉ cần trông coi đến khi thu hoạch. Từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch khoảng 1 năm.
“Để nuôi sò đạt hiệu quả như mong muốn, khâu chọn sò giống hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, nuôi sò huyết theo mô hình này, người nuôi không chỉ có lợi nhuận cao từ sò mà vẫn có thu nhập từ tôm - cua. Môi trường sò sống hoàn toàn không ảnh hưởng đến các loại thuỷ sản khác trong vuông tôm”, anh Mãi cho biết. Cũng từ cách làm trên, mỗi năm, ngoài nuôi sò, anh Mãi còn có thu nhập từ tôm và cua trên 150 triệu đồng.
Không bằng lòng với thành quả đạt được, hiện anh Mãi còn thả nuôi 100 con rắn hổ hèo. Với giá dao động từ 480.000 - 500.000 đồng/kg, ước tính từ số rắn trên, anh Mãi sẽ có nguồn thu không nhỏ.
Không chỉ sản xuất giỏi, anh Mãi còn là đoàn viên gương mẫu, năng động trong các hoạt động, phong trào Đoàn. Anh luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người và là địa chỉ tin cậy của thanh niên ở địa bàn trong chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ngoài ra, anh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nuôi sò huyết và là người thành lập “Quỹ giúp nhau lập nghiệp” với 13 thành viên.
Anh Ngô Minh Trung, Bí thư Huyện đoàn Cái Nước, đánh giá: “Các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả được các cấp bộ Đoàn quan tâm, nhân rộng. Huyện đoàn thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan mô hình hiệu quả cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Mô hình của đoàn viên Lâm Văn Mãi là một trong những điểm được chọn tham quan”./.