CHỈ THỊ 16, GIẢI PHÁP CẮT ĐỨT NGUỒN LÂY TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID 19
Từ khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, dòng người đi lao động, học tập ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn có dịch ngoài tỉnh trở về địa phương ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn cho công tác quản lý và phòng chống dịch ở địa phương. Đặc biệt là từ ngày 7 đến ngày 10/7, tỉnh Cà Mau liên tục phát hiện ca dương tính với 3 ổ dịch được phát hiện ở huyện Thới Bình và Thành phố Cà Mau. Vì vậy, việc Chính phủ chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, áp dụng cho toàn địa bàn của 19 tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh Cà Mau là hết sức cần thiết.
Những ngày đầu giãn cách xã hội ở thị trấn Cái Nước, số lượng người ra đường rất ít
Chỉ thị 16 là giải pháp nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm Covid 19 trong cộng đồng do tình trạng di dân không thể kiểm soát được. Mặc dù việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng giãn cách xã hội, gây khó khăn cho phát triển kinh tế, tác động rất lớn đến đời sống của một bộ phận nhân dân, vì người dân phải hạn chế tối đa việc ra đường, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, vì sức khoẻ và tính mạng con người là quan trọng nhất, nên đại bộ phận nhân dân đều có sự đồng thuận cao, chấp nhận với khó khăn chung, để tận dụng thời gian vàng trong thời gian giãn cách xã hội, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Trần Văn Sậm, ấp Bào Tròn, xã Đông Thới hàng ngày lao động tại nhà, không ra đường theo chỉ thị giãn cách xã hội
Ông Trần Văn Sậm, ấp Bào Tròn, xã Đông Thới bày tỏ: Theo dõi thông tin trên truyền hình, thấy dịch bệnh bùng phát nhiều nơi cũng sợ lắm. Do vậy, nhà nước chỉ đạo giãn cách xã hội tôi rất ủng hộ. Mình phải hạn chế đi lại, không giao tiếp với nhau trong thời điểm này, bảo vệ cho mình khỏi bị lây nhiễm. Trước mắt là bảo vệ mình, gia đình mình và cho làng xóm. Chứ để dính cái bệnh này là nguy hiểm đến tính mạng. Đâu có xem thường được.
Cùng với các địa phương trong tỉnh, từ 0 giờ ngày 19/7, huyện Cái Nước thực hiện giãn cách xã hội. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và kiểm soát giá cả tại các chợ đầu mối. Chỉ đạo cho các xã thị trấn có chợ, sắp xếp mua bán đảm bảo giãn cách, hướng dẫn hộ sản xuất kinh doanh, mua bán, kể cả mua bán rau, củ, quả tại các chợ tự tiêu, tự sản thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kể cả việc thực hiện 5K nơi công cộng. Đối với những trường hợp có nhu cầu đi lại để lao động sản xuất như thu mua tôm cua, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thuỷ sản sau thu hoạch, vận chuyển hàng hoá thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất, lao động làm công cho các công ty, xí nghiệp, các công trình xây dựng,… được chính quyền địa phương xác nhận, tạo thuận lợi cho đi lại khi cần thiết.
Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát tại xã Đông Hưng, cửa ngõ giám với huyện Đầm Dơi
Tuy nhiên, qua thành lập 2 chốt kiểm soát ở cửa ngõ giáp ranh huyện Đầm Dơi và tuyến quốc lộ 1 giáp thành phố Cà Mau, vẫn còn một bộ phận nhân dân ra đường không có lý do chính đáng. Ông Nguyễn Minh Nhà, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng đơn vị phối hợp với Công an huyện đóng chốt kiểm soát cửa ngõ qua Đầm Dơi cho biết: Trong những ngày đóng chốt thực hiện Chỉ thị 16, số lượng người dân đi lại giảm rất nhiều. Tuy nhiên, đôi lúc số lượng người và phương tiện đi lại vẫn còn đông.
Bên cạnh đại bộ phận nhân dân chấp hành nghiêm việc hạn chế ra đường, chỉ đi lại khi có việc thật cần thiết như mua thức ăn và hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống gia đình, mua thuốc hoặc khám chữa bệnh; vẫn còn không ít trường hợp chưa nêu cao ý thức phòng dịch cho bản thân. Bằng chứng là trong ngày thứ 2 và thứ 3 sau khi áp dụng giãn cách xã hội, có rất đông người tập trung tại UBND các xã thị trấn để xin xác nhận giấy đi lại. Trong đó có nhiều lý do không chính đáng, chẳng hạn xin giấy đi lại để mua phế liệu, xin giấy đi lại để mua vãi cắt quần áo đồng phục cho học sinh,….
Dẫu biết rằng, việc hạn chế ra đường trong thời gian 14 ngày giãn cách xã hội sẽ ít nhiều gây khó khăn cho từ hộ gia đình, nhưng vì sức khoẻ của mọi người, mọi nhà, vì cuộc sống bình yên không để dịch bệnh bùng phát, rất cần đến sự chia sẽ, cảm thông và đồng hành của toàn dân. Đối với địa bàn nông thôn, 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hộ gia đình chủ động lo tăng gia sản xuất tại chổ, không nhất thiết phải đi lại.
Chợ nông sản trên đường 30/4 Khóm 1 thị trấn Cái Nước
Chợ tự tiêu tự sản Khóm 1 thị trấn Cái Nước không đảm bảo giãn cách (ảnh chụp sáng ngày 24/7/2021)
Hiện nay, đề cập đến việc hạn chế đi lại khi chưa thật sự cần thiết, trên cơ bản đại đa số nhân dân đều đồng tình nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau do một bộ phận nhân dân chưa nắm rõ thông tin. Đối với tỉnh Cà Mau, do tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn trong tầm kiểm soát, số ca mắc ít, không phức tạp như thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, cho nên tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh là thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc mềm. Cụ thể là chợ nông thôn vẫn được phép hoạt động trong điều kiện đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Đối với huyện Cái Nước, không cấm hoàn toàn không cho người dân ra đường; tuy nhiên, ngoài những trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa lưu động, cung cấp vật tư, thuộc thú y thủy sản, lo động làm công cho công ty, xí nghiệp và làm hồ cho các công trình xây dựng,... được địa phương xác nhận cho phép đi lại; mọi người chỉ nên ra đường khi có việc thật sự cần thiết như đi chợ mua thức ăn, hàng hóa thiết yếu. Việc làm này nhằm mục đích cuối cùng là hạn chế tối đa tình trạng di dân, tránh tiếp xúc để cắt đứt nguồn lây nhiễm của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cộng đồng, vì sự phát triển an toàn và bền vững.
Vì thế, trong thời gian này, rất cần sự đồng tâm vượt khó của toàn dân, để chung tay đẩy lùi đại dịch; chấp nhận hy sinh một phần lợi ích riêng của bản thân, gia đình, cùng cộng đồng giữ gìn cuộc sống bình yên, không dịch bệnh mà chúng ta đang có. Bởi trong cuộc chiến nào cũng phải đánh đổi và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, gian khó; cuộc chiến với đại dịch Covid 19 lại càng khó khăn hơn./.