Cùng với các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi, vào khoảng 03 giờ sáng ngày 18/6/2018, tại địa bàn ấp Mỹ Đông xã Trần Thới, khu vực ngã ba tiếp giáp giữa kinh xáng Đông Hưng với sông Bảy Háp, đã xảy ra vụ lún sụp, sạt lở đất nghiêm trọng, làm sụp hoàn toàn 03 căn nhà của ông Phạm Minh Tuấn, chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu và vật liệu xây dựng.
Ba căn nhà của ông Phạm Minh Tuấn bị sạt lỡ chìm dưới lòng sông vào sáng ngày 18/6/2018
Theo gia đình cho biết, vào thời gian trên, trong lúc gia đình đang ngủ, ông Tuấn phát hiện ngôi nhà có biểu hiện rung chuyển với tiếng kêu rắt rắt và nhà bị nghiêng dần. Ông Tuấn hô lên và cùng vợ con vừa chạy ra khỏi nhà thì ngôi nhà ba căn chứa hàng hoá cũng bắt đầu lún sập, kéo theo toàn bộ tài sản ngập chìm trong nước. Vụ sụp lún, sạt lở đất đã làm thiệt hại cho gia đình ông Tuấn 23 loại tài sản, chủ yếu là vật liệu xây dựng như xi măng, gạch men, cây gỗ, tol, kẻm,… và tài sản khác của gia đình, với tổng trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Đây là vụ sạt lỡ đất ven sông gây thiệt hại tài sản lớn nhất ở huyện Cái Nước kể từ trước đến nay.
Ông Hồ Văn Miên, Chủ tịch UBND xã Trần Thới cho biết: ba tháng trước, xã đã kết hợp với ngành chức năng của tỉnh và huyện kiểm, dự báo để gia đình có ý thức di dời, nhưng không ngờ vụ sạt lở xảy ra quá nhanh, cùng lúc làm sụp hoàn toàn 03 căn nhà của ông Tuấn, vết nứt của vụ sạt lở có chiều dài gần 40 mét, ăn sâu vào đất liền khoảng 20 mét. Thật là bất ngờ và không thể tưởng tượng.
Tuyến lộ bê tông ấp Mỹ Tân xã Trần Thới đứng trước tình trạng sạt lỡ trầm trọng
Qua khảo sát của ngành chức năng huyện Cái Nước, ngoài tuyến sông Bảy Háp đi qua địa bàn các xã Trần Thới, Đông Thới, Đông Hưng, Tân Hưng và Lương Thế Trân; riêng địa bàn xã Trần Thới có ba tuyến lộ nông thôn chiều dài khoảng 8.000 mét của ba ấp Mỹ Đông, Mỹ Tân và Mỹ Hoà được trước nguy cơ sạt lở cao; trong đó có gần 1.000 mét đã bị sạt lỡ nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại và nhà ở của dân. Một số đoạn đã bị sụp, mặt đất bị khoét sâu vào bên trong con lộ, hơn 10 hộ gia đình có nhà ở dọc theo tuyến kênh xáng Đông Hưng, đất đã sạt lở đến hàng ba nhà.
Đoạn lộ qua phần đất ông Hồ Văn Kỷ, ấp Mỹ Tân xã Trần Thới hai lần bị sạt lỡ với độ sâu trên 2 mét
Để đối phó với tình trạng sạt lở, ông Hồ Văn Kỷ, ấp Mỹ Tân xã Trần Thới không ngần ngại bỏ ra gần ba cây vàng để làm bờ kè bằng đá chiều dài 41 mét đi qua phần đất của gia đình. Thế mà chẳng bao lâu, toàn bộ bờ kè đã biến mất. Điểm sạt lở đến thời điểm này đã trên 10 mét. Đáng sợ nhất là hai năm qua, tình trạng sạt lở ngày càng trầm trọng hơn, con lộ bê tông rộng 2 mét đi qua trước nhà đã hai lần bị sụp, hàng trăm khối đất bị cuốn theo dòng chảy. Hiện tại điểm sạt lỡ trước cửa nhà có độ sâu hơn 2 mét. Thật đáng sợ! Ông Kỷ ngao ngán.
Căn nhà cơ bản của anh Võ Văn Mo, ấp Mỹ Tân xã Trần Thới trước tình trạng sạt lỡ uy hiếp
Mặc dù những năm qua xã Trần Thới tích cực vận động nhân dân trồng mấm và làm kè thủ công để chống sạt lở. Tuy nhiên, việc kè chắn chống sạt lở bằng biện pháp thủ công không thể chống đỡ được sạt lở. Dọc theo tuyến kênh xáng Đông Hưng thuộc địa bàn ấp Mỹ Tân và Mỹ Đông xã Xã Trần Thới, trung bình mổi năm mất đi từ 1 - 1,5 mét đất do sạt lở.
Sạt lở đất ăn sâu vào chân lộ
Nhân dân ở đây ai nấy đều cảm thấy bất an và bế tắt trong việc tìm giải pháp để khắc phục, bởi hiện nay tuyến sông này rất sâu và độ hẳm dốc, bờ sông không có bãi nên không để kè chắn hoặc trồng mắm chống sạt lở. Vì vậy, nguy cơ sạt lở đất ven sông trong mùa mưa này chắc chắn sẽ còn trầm trọng hơn. Chính vì vậy, Nhân dân ở đây mong muốn được ngành chức năng và cấp có thẩm quyền vào cuộc, có giải pháp hỗ trợ, giúp Nhân dân sớm khắc phục một cách hiệu quả tình trạng sạt lở đất ven sông, ứng phó với biến đổi khí hậu./.