Nếu như trước đây, bệnh nhân trên địa bàn huyện Cái Nước và khu vực lân cận, khi mắc bệnh suy thận mạn tính phải đến bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau hoặc các bệnh viện tuyến trên để chạy thận định kỳ. Trung bình mỗi tuần ít nhất 03 lần, có nghĩa là cứ cách một ngày bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo một lần, để lọc bỏ các chất dư thừa ra khỏi cơ thể, do thận không còn chức năng kiểm soát được lượng nước, muối và can xi trong cơ thể. Vì vậy, liệu pháp điều trị bệnh suy thận mạn tính hiệu quả nhất, ít tốn kém chi phí nhất để duy trì sự sống cho bệnh nhân, buộc phải can thiệp bằng phương pháp dùng máy chạy thận nhân tạo thay thế chức năng quả thận trong cơ thể.
Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước
Bệnh nhân Nghiêm Việt Khái, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, hiện đang đăng ký chạy thận định kỳ tại Khoa lọc máu bệnh viện đa khoa Cái Nước chia sẻ: Cách đây khoảng 05 năm, ông phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường, nên đến cơ sở y tế tuyến trên kiểm tra sức khỏe tổng quát, khi ấy mới phát hiện mình mắc bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, từ đó sức khỏe cũng bắt đầu suy giảm. Theo chỉ định của bác sĩ, cứ mỗi tuần ông phải đến bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau chạy thận nhân tạo 3 lần, để lọc bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể ra bên ngoài, nên gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Kể từ khi bệnh viện đa khoa Cái Nước thành lập Khoa lọc máu, ông không còn đến bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau chạy thận như trước.
Trường hợp bệnh nhân Lê Quốc Kiệt, ấp Ngọc Huờn, thị trấn Cái Nước, năm nay mới hơn 20 tuổi, nhưng đã có gần 10 năm sống chung với căn bệnh suy thận mạn tính. Kể từ khi bệnh viện đa khoa Cái Nước thành lập Khoa lọc máu, việc điều trị bệnh suy thận mạn tính được thuận lợi hơn. Mỗi lần đi chạy thận chỉ mất từ 3 đến 4 giờ là về đến nhà. Còn trước đây, cứ cách một ngày là phải đến bệnh viện đa khoa Cà Mau chạy thận, thậm chí những ngày có quá nhiều bệnh nhân phải chờ và mướn nhà trọ ngủ qua đêm mới đến lượt, tốm kém khá nhiều chi phí cho mỗi lần chạy thận.
Rõ ràng, khi bệnh viện đa khoa Cái Nước thành lập Khoa lọc máu, đã giúp cho bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính có cơ hội triệu trị được tốt hơn, không phải vượt hàng chục cây số đến bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị như trước đây. Tuy nhiên, do số lượng máy chạy thận nhân tạo và nguồn nhân lực Khoa lọc máu tại bệnh viện còn hạn chế, nên chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Đề cập vấn đề này, Bác sĩ Lê Quốc Việt, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viên đa khoa Cái Nước, Tổ trưởng Đơn nguyên Khoa lọc máu cho biết: Bước đầu mới thành lập Khoa lọc máu chỉ mới trang bị được 04 máy lọc thân nhân tạo, cùng với 02 ê kíp gồm một bác sĩ và 03 điều dưỡng, trung bình mỗi ngày chỉ thực hiện được 02 ca chạy thận cho bệnh nhân. Hiện đang tiếp tục gửi thêm một ê kíp đi đào tạo, khi ê kíp này hoàn thành khóa đào tạo sẽ nâng số ca chạy thận nhân tạo lên ca 03, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị suy thân mạn tính cho bệnh nhân.
Có thể nói, khi bệnh viện đa khoa Cái Nước thành lập Khoa lọc máu, đã giúp cho bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính trên địa bàn huyện và khu vực lân cận có thêm điều kiện điều trị bệnh tốt hơn, để duy trì và kéo dài sự sống./.