Ông Trần Bảo Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phú cho biết: Theo lộ trình xây dững xã nông thôn mới năm 2018, xã Thạnh Phú đang tập trung toàn lực, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng để chung tay hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4% để đến cuối năm 2018 xã đạt được tiêu chí hộ nghèo trong bộ tiêu chí quốc giá về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, xã Thạnh Phú còn gặp không ít khó khăn, bởi hiện nay đa phần những hộ nghèo đều là những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn như đau yếu, bệnh tật, quá tuổi lao động. Cuộc sống rất bấp bênh, thu nhập thấp; mặc dù những đối tượng này trước đây cũng được hỗ trợ nhà ở, vốn, tư liệu sản xuất nhưng cuộc sống vẫn còn rất bấp bênh”.
Xã Thạnh Phú hiện có 6 ấp, trong đó đáng quan tâm nhất là ấp Sở Tại, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã chiếm trên 7,3%. Ông Trần Thanh Đoàn Trưởng ấp Sở Tại cho biết: Toàn ấp hiện có 1.010 hộ dân sinh sống, trong đó có 74 hộ nghèo và 72 hộ cận nghèo. Phần lớn số hộ nghèo và cận nghèo đó là những hộ không có đất và tư liệu sản xuất, một bộ phận đã quá tuổi lao động. Mặc dù chính quyền địa phuơng thường xuyên quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo nhưng trên thực tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2016, hộ anh Nguyễn Hoàng Vịnh, ấp Sở Tại, được chính quyền địa phương xem xét và đề nghị về trên hỗ trợ gia đình anh số tiền 20 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Nhận được nguồn vốn, anh đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động đến cuối năm 2016, gia đình anh đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá heo thường xuyên sụt giảm, cộng với dịch bệnh xảy ra nên anh không tiếp tục đầu tư tái đàn nuôi mà chuyển sang làm nghề phụ hỗ để kiếm thêm thu nhập, trang trãi cho cuộc sống gia đình. Với tình hình thực tế như hiện nay, nếu gia đình anh không có giải pháp tốt trong việc ổn định việc làm và thu nhập thì nguy cơ tái nghèo sẽ rất cao.
“Sau khi được giúp đỡ vốn làm ăn,, gia đình tôi đã thoát được nghèo. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây việc chăn nuôi không đạt hiệu quả, nên tôi không tiếp tục chăn nuôi nữa mà chuyển sang làm nghề phụ hồ, nghề này cũng bấp bênh lắm. Dù vậy, tôi cũng gán lao động để lo cho gia đình và quan trọng là không để tái nghèo trở lại”, anh Vịnh chia sẽ.
Tương tự như anh Vịnh, ông Nguyễn Văn Bi ấp Trần Độ cũng là một trong những hộ được hỗ trợ vốn sản xuất và cũng đã làm đơn xin thoát nghèo năm 2016. Do ít đất sản xuất, nên gia đình phải nỗ lực làm thêm nhiều nghề để không phải rơi vào hoàn cảnh tái nghèo.
“Hiện tại, tôi rất mong muốn được cấp trên xem xét hỗ trợ thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Vì tuổi tôi hiện nay cũng đã cao, cũng không thể tiếp tục đi làm thuê làm mướn hoài được”, ông Bi mong muốn.
Đây là 2 trong số rất nhiều những hộ đã được xã Thạnh Phú giúp đỡ thoát nghèo vào trước đây và hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo và xóa nghèo bền vững, đòi hỏi xã Thạnh Phú phải quyết tâm, nỗ lực rất cao.
“Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội thì bản thân từ hộ gia đình phải có nỗ lực nhiều hơn, không nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước” ông Quốc cho biết thêm.
Theo kế hoạch, năm 2018 xã Thạnh Phú sẽ là một trong những xã điểm của huyện và của tỉnh Cà Mau để tập trung chỉ đạo xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, cùng với thực hiện các tiêu chí còn lại thì tiêu chí hộ nghèo đúng là tiêu chí khó nhất. Do đó,, để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, xã Thạnh Phú rất cần sự đầu tư, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các nghành, giúp hộ nghèo có đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững./.