“KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ” TRONG XỬ LÝ VI PHẠM NỒNG ĐỘ CỒN
Thực hiện Nghị định số 100 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; thời gian qua công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông được lực lượng cảnh sát giao thông siết chặt, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn; qua đó góp phần kiềm chế tai nạn giao thông; ý thức của người tham gia giao thông cũng có sự chuyển biến đáng kể. Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 35 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Điều này cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ trong việc kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó đội ngũ cán bộ đảng viên và lực lượng thực thi pháp luật phải là lực lượng gương mẫu đi đầu.
Vi phạm nồng độ cồn không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt nặng, mà còn là nguyên nhân dân đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ
Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm nhất quán trong chỉ đạo, đó là phải xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn. Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội; đại bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa và ứng xử khi tham gia giao thông, góp phần làm cho hoạt động giao thông văn minh và an toàn hơn. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu; tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhất là trong việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn; cá biệt có một số trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm chết người rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, hoặc chống đối, không hợp tác việc kiểm tra, giải quyết của cơ quan chức năng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cộng đồng.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ý thức kỷ luật còn hạn chế; công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức của một số cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo, không kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm túc, việc nhắc nhở thiếu thường xuyên; gây ảnh ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, gây bất bình trong Nhân dân.
Vì vậy, những hạn chế vừa nêu đòi hỏi phải được chấn chỉnh, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý và xử lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành pháp luật về giao thông. Nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về giao thông, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn để làm gương trong nhân dân. Qua đó góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện trường tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn huyện Cái Nước
Để thực hiện tốt vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội. Phải xử lý thật nghiêm cán bộ, công chức, viên chức khi có thông báo của cơ quan chức năng về vi phạm nồng độ cồn hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Phải xử lý thật nghiêm theo quy định bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Chỉ thị 35 của Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm, không kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm nhất quán trong chỉ đạo xử lý vi phạm cán bộ đảng viên, công chức, viễn chức vi phạm nồng độ cồn là “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” cho bất kỳ đối tượng nào, cho dù người đó là ai. Tất cả mọi người phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm. Đối với lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan quản lý cũng phải xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, che dấu hoặc bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông khi thực thi công vụ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn các đơn vị xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Giao Bộ trưởng Công an chỉ đạo lực lượng trong ngành khi xử lý vi phạm giao thông phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. “Không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua vi phạm trong quá trình xử lý hành chính”.
Bộ trưởng Quốc phòng chấn chỉnh toàn quân gương mẫu, không lái xe sau khi uống rượu bia; phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn do người và phương tiện quân đội gây ra.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Cái Nước tuần tra đảm bảo ann toàn giao thông
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị này phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương. Tập trung tăng cường tuyên giáo dục, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong chấp hành pháp luật về giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn.
Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị đối với những người vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông hoặc chống đối, cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp, tác động để bỏ qua vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn; Công an sẽ khẩn trương lập hồ sơ, điều tra, phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án xử lý đưa ra xử lý thẽo quy định./.