ỦY THÁC CHO VAY GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ TRONG ĐẦU TƯ VỐN ƯU ĐÃI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
Ngay từ những ngày đầu sát cánh cùng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã xác định tín dụng chính sách xã hội là công cụ đặc biệt quan trọng, giúp hội viên phát triển kinh tế, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Ở cấp huyện, Hội LHPN phân công một đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện công tác ủy thác cho vay. Các cấp Hội đề ra chỉ tiêu quản lý vốn, chuyển giao KHKT, hỗ trợ phụ nữ nghèo vào tiêu chí thi đua, đánh giá, xếp loại cơ sở Hội hàng năm.
Sơ kết hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức Chính trị - xã hội xã Hưng Mỹ
Trong 20 năm qua, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN liên tục tăng và luôn có dư nợ cao nhất trong các tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tính đến 30/9/2022, Hội LHPN quản lý trên 147 tỷ đồng (gấp 49 lần so với năm 2003), với 5.500 hội viên đang vay vốn thông qua 112 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn của hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp phụ nữ tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế bền vững, vươn lên làm chủ cuộc sống và xây dựng vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội. Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng ngàn gia đình phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Với các cấp Hội Nông dân trong huyện, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mà hoạt động công tác Hội phải đối diện là phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Thực hiện văn bản liên tịch về thực hiện ủy thác, các cấp Hội Nông dân huyện Cái Nước đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả việc ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua triển khai thực hiện, các cấp Hội đã nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trực tiếp làm công tác ủy thác ở tất cả các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; gắn trách nhiệm của Chi hội trong việc theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ người vay sử dụng và hoàn trả vốn. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý trên 112 tỷ đồng cho trên 4.400 hội viên vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,39%, tỷ lệ thu lãi trên 99%, điều đó minh chứng việc nộp lãi, hoàn trả gốc của các thành viên vay vốn cơ bản đảm bảo thực hiện tốt.
Có thể khẳng định, hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức Chính trị - xã hội đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là “cầu nối” nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Cái Nước. Tính đến nay, 4 tổ chức Chính trị - xã hội đang phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện tham gia quản lý hơn 402 tỷ đồng. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 36,55%, Hội Nông dân quản lý 27,82%, Hội Cựu chiến binh quản lý 17,42%, Đoàn thanh niên quản lý 18,11% tổng dư nợ ủy thác. Vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng, thuận lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Ông Nguyễn Hữu Trân, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước cho biết: Hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức Chính trị - xã hội đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được thụ hưởng các chương trình tín dụng và tiếp cận với các dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác trong huyện sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đồng thời, tích cực huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với việc duy trì tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay, các tổ chức Chính trị - xã hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc nợ đến hạn; thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng./.