TỪ 01/6/2017: TÍCH CỰC THAM GIA BHYT ĐỂ KHÔNG BỊ NGHÈO HÓA KHI MẮC BỆNH
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế của người không có thẻ BHYT
Tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT do Bộ Y tế vừa hành Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng khi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Theo đó, mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm: chi phí trực tiếp như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB, chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ...; chi phí tiền lương gồm tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật...
Người tham gia BHYT không bị ảnh hưởng nhiều khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh, nhất là các dịch vụ kỹ thật cao
Với việc áp dụng mức giá tối đa trong khung giá của Thông tư trên, giá dịch vụ y tế áp dụng với người không có BHYT sau khi được điều chỉnh từ 1/6 sẽ tương đương với giá mà Quỹ BHYT đang chi trả cho nhóm có BHYT theo các hạng bệnh viện hiện nay. Cụ thể, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 sẽ tăng từ 20.000 đồng/lượt hiện nay lên 39.000 đồng/lượt; ở bệnh viện hạng II tăng từ 15.000 - 35.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng III tăng từ 10.000 - 31.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng IV tăng từ 7.000 - 29.000 đồng/lượt.
Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy... tại các bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 354.000 - 677.000 đồng/người; bệnh viện hạng II tăng từ 350.000 - 569.000 đồng. Giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 99.000 - 215.000 đồng; giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, tai biến... tăng từ 89.000 - 192.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành. Thông tư cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, tuy nhiên thời gian cụ thể mà các cơ sở KCB chính thức áp dụng sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định (Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế do Bộ quyết định, các bệnh viện của địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định...). Tương tự, mức giá cụ thể của từng dịch vụ y tế cũng do cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng không được vượt quá mức giá tối đa khung giá của Thông tư.
Lợi ích của thẻ BHYT
Ghi nhận trên thực tế tại một số cơ sở KCB cho thấy, đã có nhiều người bệnh thành “nghèo hóa” chỉ vì không tham gia BHYT. Thực tế này cho thấy, thẻ BHYT đã thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo, mắc bệnh mạn tính... Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, tại khoa thường xuyên có hàng chục bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Các bệnh nhân vào đây đều rất nặng, thường là shock nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tổn thương tim phổi, suy gan cấp... nên phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, thậm chí phải dùng đến cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), trung bình mỗi ngày chi phí điều trị lên tới vài, ba chục triệu. Theo ước tính, ở Khoa Hồi sức tích cực trung bình hiện nay còn khoảng 25% bệnh nhân không có thẻ BHYT, mà rất nhiều người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần 1 người ốm nặng sẽ khiến cả nhà xuống dốc không phanh, nghèo hóa vì bệnh tật.
TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nhiều ca bệnh chi phí rất lớn, mới đây có bệnh nhân điều trị tại BV Bạch Mai được BHYT chi trả hơn 1 tỷ đồng. Hoặc các chi phí điều trị các bệnh lớn, lâu dài như ung thư với chi phí hàng chục triệu đồng/đợt điều trị; hàng trăm triệu đồng/năm cũng được BHYT chi trả. Tham gia BHYT hỗ trợ cho bệnh nhân khi đau ốm, nhất là bệnh nặng.
Từ thực tiễn quá trình KCB, PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K chia sẻ, BHYT đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị bởi chi phí điều trị ung thư rất lớn. Nhiều trường hợp phải bán tài sản, bán nhà để chữa bệnh nếu không có BHYT.
Tính đến thời điểm này, cả nước có 82% dân số cả nước đã tham gia BHYT, số chưa tham gia phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên, thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Theo cơ quan chức năng, ngoài việc hướng tới lộ trình tính đúng, tính đủ viện phí, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này còn tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Lý do vì người có BHYT không bị ảnh hưởng nhiều khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh, do chi phí KCB của họ được Quỹ BHYT chi trả phần lớn, còn người không có BHYT sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn khi điều chỉnh giá viện phí vì họ phải tự trả tiền và lúc đó, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia./.