Hiện tại, huyện Cái Nước có 30 lớp học có số lượng học sinh bình quân từ 40 đến trên 50 em/lớp. Với số lượng học sinh/lớp quá đông, trong khi thực trạng cơ sở vật chất trường lớp có hạn (phòng học có diện tích nhỏ nhất là 34,88 m2, lớn nhất là 39,53 m2), nên mỗi một lớp có từ 7-10 bàn phải sắp xếp cho 3 học sinh ngồi chung một bàn loại bàn 2 chổ ngồi. Do phòng học nhỏ hẹp, nên nhà trường buộc phải kê thêm bàn học sinh sát gần sát với bụt giảng, không còn đủ không gian cho các em, nếu ngồi học như thế này trong thời gian dài sẽ khó đảm bảo sức khoẻ và thị lực cho học sinh. Thực trạng này đã gây khó khăn rất lớn cho các em học sinh khi viết bài và ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là phương pháp thảo luận nhóm.
Lớp học quá tải tại điểm trường ấp Thị Tường B xã Hoà Mỹ, diện tích phòng học nhỏ hẹp phải kê thêm bàn sát với bụt giảng
Tình trạng học sinh quá tải trong một lớp gây áp lực lớn cho giáo viên trong việc giảng dạy và hướng dẫn cho học sinh yếu, bởi thời gian dành cho một tiết dạy chỉ có 40 phút, nên đối với học sinh lớp 1 chưa biết viết hoặc viết chữ chưa rành, chưa nhận biết được chữ cái,... sẽ rất khó trong việc dạy và học. Trong khi đó, một số điểm trường hiện tại giáo viên còn thừa chưa sắp xếp tinh giảm Nhà nước vẫn phải trả lương và phòng học bỏ trống nhưng nhà trường không được phép chia tách lớp để giảm bớt áp lực quá tải. Điển hình như trường Tiểu học Hoà Mỹ, là trường đạt chuẩn quốc gia, hiện còn dư 2 phòng học bỏ trống, trong khi đó trường có một lớp 4 có tới 53 học sinh; 2 lớp 1 với tổng số 85 học sinh. Trường tiểu học Cái Nước 3 thị trấn Cái Nước hiện còn dư phòng học nhưng có một lớp 1 có tới 52 em phải học trong phòng học diện tích 38,5 m2. Điểm trường tiểu học ấp Thị Tường B thuộc trường Tiểu học Hoà Mỹ 2 có một lớp 1 gồm 50 học sinh. Đặc biệt, điểm trường Tiểu học-Trung học cơ sở Thạnh Hưng xã Tân Hưng có một lớp 4 số học sinh lên đến 54 em (diện tích phòng học 6,7 x 5,9= 39,53 m2, bình quân mổi học sinh chỉ được 1,36 m2, kể cả không gian lối đi). Đây là lớp học có đông học sinh nhất kể từ trước đến nay, có lẻ trong tỉnh Cà Mau chắc không có lớp học nào có số học sinh đông đến như thế.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước (bìa trái) kiểm tra các lớp học quá tải
Trước thực trạng quá tải ở một số điểm trường, UBND huyện Cái Nước đã đi kiểm tra thực tế và có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau và Sở giáo dục đào tạo xem xét cho huyện Cái Nước tách 30 lớp có đông học sinh của 16 trường, để sắp xếp thành 56 lớp (26 lớp mới) để giảm áp lực quá tải. Trong điều kiện thực tế, việc chia tách số lớp này đối với các trường hoàn toàn không ảnh hưởng và không khó khăn gì đến cơ sở vật chất trường lớp, kể cả đội ngũ giáo viên.
Sắp xếp trường lớp, xoá điểm lẻ để đảm bảo điều kiện cho học sinh học tập được tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện cho học sinh là chủ trương đúng, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Mặc dù bước đầu việc xoá điểm lẻ, sắp xếp lại trường lớp gây khó khăn, trở ngại trong việc đi lại và đưa đón con em của các bậc phụ huynh, nhưng đại đa số đều chấp nhận và cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, khi chủ trương được vận dụng vào điều kiện thực tế có những điểm không thật sự phù hợp, bởi số lượng học sinh của các khối lớp trong cùng một điểm trường không như chúng ta mong muốn, cho nên việc ấn định con số bình quân để sắp xếp lớp học là điều không tưởng. Và thực tế, huyện Cái Nước có 30 lớp học có số lượng học sinh vượt ngưỡng bình quân theo quy định (Tiểu học 33 em, không quá 35 em/lớp; Trung học Cở sở bình quân 42 em/lớp, không quá 45 em/lớp).
Tình trạng học sinh trên lớp quá tải ở một số điểm trường trên địa bàn huyện Cái Nước nếu không sớm được tháo gỡ, việc học tập của học sinh thật sự sẽ không đảm bảo chứ nói chi đến việc nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, nhất là các em học sinh lớp một. Điều này rất cần các nhà hoạch định chiến lược giáo dục của tỉnh Cà Mau quan tâm./.