PHỤ NỮ XÃ TÂN HƯNG ĐÔNG PHÁT HUY HIỆU QUẢ VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
Trước đây, do nhu cầu việc làm và thu nhập, vợ chồng chị Hồ Thị Hằng, ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông rời quê lên thành phố làm nghề may gia công. Sau hơn 10 năm làm công nhân, chị tích lũy được kinh nghiệm về lĩnh vực may mặc, nên vợ chồng chị Hằng quyết định trở về quê lập nghiệp và mở cơ sở may gia công tại nhà. Nhận thấy mô hình may gia công khá triển vọng, nên chị đầu tư mở rộng quy mô nhằm tạo việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn, đồng thời thúc đẩy cơ sở may phát triển.
Sau khi vay vốn, cơ sở may gia công ấp Cái Hàng đã được xây cất khang trang, đầu tư thêm máy móc góp phần tạo việc làm cho gần 20 chị em phụ nữ lao động tại địa phương
Thông qua Chi hội Phụ nữ ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng số vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi kết hợp với vốn tự có của gia đình, chị mở rộng quy mô đầu tư thêm trang thiết bị Đến nay, cơ sở may gia công của gia đình chị Hằng có tổng số 20 máy may gia công, máy vắc sổ và máy ủi chuyên dùng, tạo việc làm cho hơn 15 chị em phụ nữ ở địa phương.
Trung bình mỗi tháng cơ sở may gia công của gia đình chị Hằng hoàn thành từ 1.500 đến 4.000 sản phẩm quần áo theo đơn đặt hàng từ các Công ty, Xí nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi lao động nhận được tiền công dao động từ 15 đến 30 ngàn đồng/sản phẩm. Anh Huỳnh Văn Mau, chồng chị Hồ Thị Hằng chủ cơ sở may gia công ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông cho biết mức thu nhập của chị em may gia công “Hiện mỗi chị em làm tại cơ sở đều có mức thu nhập thấp nhất là từ 3,5 triệu trở lên, tháng nào hàng nhiều có thể lên mức 6 đến 7 triệu/tháng, riêng khâu ủi thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng”.
Cũng ở ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông, hộ bà Lê Thị Thắng cũng có hoàn cảnh tương tự. Do kinh tế gia đình khó khăn nên có lúc phải tha phưng để mưu sinh ngoài tỉnh. Khi dịch Covid - 19 bùng phát, gia đình quay về địa phương, được người quen giới thiệu mô hình nuôi rắn ri tượng, nên mạnh dạn đầu tư 20 con rắn ri tượng giống để nuôi. Tận dụng chuồng heo được làm bằng bê tông không còn sử dụng, bà đầu tư nuôi rắn ri tượng. Sau hai năm chăm sóc, rắn sinh sản được gần 100 con, xuất bán rắn giống và rắn thương phẩm thu về trên 15 triệu đồng.
Hội Phụ nữ xã tham quan chuồng rắn ri tượng của gia đình bà Lê Thị Thắng
Nhận thấy mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô hộ gia đình đạt hiệu quả, Chi hội Phụ nữ ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân cho gia đình vay 40 triệu đồng nhân rộng mô hình, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bà Lê Thị Thắng, ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông cho biết hiệu quả sử dụng vốn vay: “Sau khi được vay tiền tôi mở rộng thêm 2 chuồng và làm mái để mở rộng nuôi rắn ri tượng, còn số vốn còn lại để mua con giống và xoay vòng khi cần thiết. Vay được đồng vốn ưu đãi, lãi suất thấp nên mỗi tháng tôi đóng lãi và gửi tiết kiệm số tiền chỉ hơn 700 ngàn đồng nên đễ dàng cho gia đình tôi trong việc chi trả đúng hạn hàng tháng”.
Đề cập đến việc sử dụng vốn vay ưu đãi từ Chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện; bà Lương
Ánh Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông nói: “khi chị em có nhu cầu vay vốn để phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả, Chi hội sẽ đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã, cấp huyện xem xét để hỗ trợ cho chị em vay vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình”.
Qua đây cho thấy, Chi hội Phụ nữ ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông không chỉ làm nhiệm vụ tập hợp chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức, xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương, mà Hội còn làm cầu nối trong việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình giải quyết việc làm, giúp cho phụ nữ nông thôn có vốn phát triển sản xuất, giải quyết kịp thời nhu cầu việc làm và thu nhập ổn định.
Thông qua mô hình may gia công và nuôi rắn ri tượng quy mô hộ gia đình đã thực hiện tại địa phương thời gian qua đã khẳng định: Với ý chí quyết tâm trong lao động sản xuất của chị em phụ nữ, một khi được trợ giúp vốn và định hướng phù hợp, công tác tạo việc làm và thu nhập ổn định cho phụ nữ nông thôn không phải là việc khó; qua đó góp phần tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương./.