PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM – TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN XÃ HỘI (tiếp theo)
Bài 2:
PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRONG TRƯỜNG HỌC CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung và phòng chống tai nạn đuối nước nói riêng, ngày 16/5/2016, tức là vào đầu hè năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành Chỉ thị số 1572, về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh và sinh viên.
Trẻ em tập bơi
Theo đó, Bộ giáo dục chỉ đạo các đơn vị trường học trong hệ thống giáo dục, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; lồng ghép, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng, chống đuối nước trong chương trình giáo dục chính trị đầu năm học cho học sinh, sinh viên. Có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các em tham gia các lớp học bơi. Hướng dẫn học sinh, sinh viên đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động thực tế, dã ngoại, tránh những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Có thể thấy, các cấp các ngành đều đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống đuối nước cho trẻ em. Việc chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước vào trường học là giải pháp rất tích cực, bởi đối tượng bị tai nạn đuối nuối chính là các em học sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp ở nhiều nơi con chưa đủ để dạy và học chương trình phổ thông chính khoá, thì việc đầu tư hồ bơi để dạy bơi cho học sinh xem ra quá xa xỉ. Chính vì thế, hầu hết các trường học không có điều kiện để thực hiện.
Ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng trường tiểu học Cái Nước cho biết: Thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã quán triệt trong thầy cô giáo và các em học sinh về việc tăng cường giáo dục kỹ năng và phòng chống đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, hiện tại nhà trường không có hồ bơi, nên việc dạy cho học sinh chủ yếu là lồng ghép dạy kỹ năng bằng lý thuyết là chủ yếu. Đầu năm học, nhà trường kết hợp với hồ bơi Hồng Vân thuộc địa bàn khóm 2 để hướng dẫn các em học sinh được 2 buổi. Do kinh phí không đảm bảo nên hoạt động này không thể duy trì.
Hệ thống kênh rạch bị ô nhiễm, trẻ em tìm đến hồ bơi nhân tạo để bơi lội
Không riêng ở huyện Cái Nước, đối với các đơn vị trường học ở huyện Phú Tân cũng nằm trong tình trạng tương tự. Anh Cao Hoàng Liệt, giáo viên trường tiểu học Phú Thuận, huyện Phú Tân cho biết thêm: Hiện tại nhà nước các cấp và ngành giáo dục rất quan tâm về công tác giáo dục và phòng chống đuối nước cho học sinh. Thế nhưng, do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, nên việc dạy bơi cho học sinh chủ yếu là kêu gọi xã hội hoá. Hầu hết các điểm trường của huyện Phú Tân hiện nay cũng chưa xây dựng được hồ bơi nhân tạo. Trong khi đó nguồn lực xã hội cũng còn nhiều khó khăn, nên việc xã hội hoá ở lĩnh vực này tiến triển còn rất chậm.
Trước nhu cầu bức xúc của xã hội đặt ra, năm 2016 một cơ sở tư nhân tại địa bàn khóm 2 thị trấn Cái Nước đã đầu tư đưa hồ bơi Hồng Vân đi vào hoạt động. Đây là một trong những hồ bơi nhân tạo đầu tiên của huyện Cái Nước, đã đáp ứng phần nào nhu cầu tập bơi để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em ở địa phương./.
Còn tiếp.
Bài 3: Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ – Việc cần làm ngay