Sau hơn một năm tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Nước đầu tư, gia đình chị Phạm Thị An, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông đã phát triển từ mô hình ráp lú nhỏ lẻ trở thành đại lý phân phối lú đặt tôm, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.
Anh Châu Văn Nguyên, chồng chị Phạm Thị An nỗ lực lao động để cải thiện cuộc sống bằng nghề ráp lú
Chị An cho biết, trước đây chồng chị không may bị tai nạn giao thông, sau thời gian điều trị đã để lại di chứng bị liệt đôi chân, phải đi lại bằng xe lăn. Từ đó, gia đình chị mất đi trụ cột chính, không còn khả năng lao động nên thu nhập và kinh tế gặp hết sức khó khăn. Trong quá trình mưu sinh, cơ duyên đã đưa anh chị tiếp cận với nghề ráp lú, công việc này tuy không nặng nhọc, vất vả như các nghề lao động phổ thông khác, chỉ cần siêng năng cần cù có thể cho thu nhập ổn định và thường xuyên. Ban đầu, do chưa có vốn nên anh chị chỉ làm được với số lượng ít, rồi mang ra bỏ mối cho các cửa hàng ở chợ Cái Nước. Thấy mô hình ráp lú giúp cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chính quyền địa phương đã đề nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Nước, xem xét giải ngân cho gia đình chị An vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm lao động nông thôn. Có được đồng vốn, gia đình chị mở rộng quy mô sản xuất và trở thành đại lý chuyên cung cấp mặt hàng lú đặt tôm trên địa bàn. Từ đó, kinh tế gia đình từng bước ổn định, cơ sở của vợ chồng chị An còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương.
Anh Châu Văn Nguyên, chồng chị Phạm Thị An chia sẻ: “Ban đầu khi chưa có vốn, thu nhập mỗi tháng của anh chị chỉ tầm 2 đến 3 triệu. Hiện tại khi có vốn để lấy vật liệu và có nhiều người cùng làm nên số lượng lú bán ra mỗi tháng hơn 1.000 cái, thu nhập của gia đình tăng lên, cuộc sống cũng dần ổn định hơn”.
Không riêng gia đình chị An và anh Nguyên có thu nhập ổn định mà chị em phụ nữ tham gia làm công cho vợ chồng chị An cũng có thu nhập mỗi tháng từ 2 đến 3 triệu đồng.
Trung bình mỗi tháng vợ chồng anh Nguyên và chị An xuất ra hơn 1.000 cái lú cung ứng cho thị trường
Để đa dạng mặt hàng lú đặt tôm, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân, cơ sở sản xuất của gia đình chị An thường xuyên cải tiến mẫu mã và kích cỡ theo nhu cầu của khách hàng. Tùy theo chất lượng và kích thước, mỗi cái lú đặt tôm có giá bán dao động từ vài chục đến hơn 100 ngàn đồng/cái. Đến nay, cơ sở của gia đình anh chị đã sản xuất được hơn 10 mặt hàng với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp bà con nông dân có thêm sự lựa chọn và sử dụng hiệu quả nhất. Sản xuất có hiệu quả, kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, vợ chồng chị An được đánh giá là một trong số những hộ gia đình tiêu biểu trong việc sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cái Nước.
Anh Lâm Hoàng Sa, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông cho biết: “Từ khi được hỗ trợ vay vốn đến nay, hộ gia đình chị Phạm Thị An luôn thực hiện tốt việc đóng lãi và gửi tiết kiệm. Gia đình chị mong muốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ để phát triển thêm mô hình này nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân trong ấp và lưu giữ được nghề ráp lú này”.
Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm của Ngân hành Chính sách xã Hội huyện Cái Nước và quản lý chặt chẻ của địa phương, đã giúp cho gần 60 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn của ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông có được việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đề cập đến việc giải ngân vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Ông Trần Thanh Biên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Nước cho biết: “Ngân hàng sẽ hỗ trợ hết mình cho các hộ dân có mô hình sản xuất hiệu quả, mong muốn mở rộng để phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khó khăn, giúp họ dần ổn định cuộc sống”.
Qua đây cho thấy, khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, một khi hộ vay vốn có kế hoạch sản xuất và sử dụng vốn đúng mục đích như gia đình chị Phạm Thị An, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, thì nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện ổn định cuộc sống, mà còn tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn./.