Trước đây, gia đình chị Lâm Thị Ngân, áp Cái Rắn A, xã Phú Hưng, sống chủ yếu nhờ vào thu nhập từ nghề phụ hồ của chồng, nên cuộc sống không ổn định. Kể từ khi tham gia vào tổ chức Hội, chị được Chi Hội phụ nữ ấp Cái Rắn A xét và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân nguồn vốn ưu đãi 12 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm, giúp chị đầu tư chăn nuôi heo.
Từ một cặp heo giống ban đầu, tròn một năm heo sinh sản chị đã có tổng đàn 10 con. Có được con giống mà không phải tốn thêm chi phí, chị tiếp tục duy trì chăn nuôi heo sinh sản kết hợp với nuôi heo thịt, vừa tiết kiệm chi phi đầu tư con giống và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Với cách làm này, trung bình hàng năm chỉ xuất chuồng từ 3 đến 4 lứa heo thịt, mỗi lứa khoảng 10 con, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống và kinh tế của gia đình không ngừng phát triển, chị trả được vốn vay đúng thời hạn và có điều kiện tích lũy xây dựng được căn nhà cơ bản.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Hưng tham quan mô hình nuôi heo hộ gia đình của hội viên Lâm Thị Ngân, ấp Cái Rắn A
Để tạo điều kiện cho gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình, chị còn được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục đầu tư 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Chị Lâm Thị Ngân, ấp Cái Rắn A, xã Phú Hưng cho biết: “Trước đây cuộc sống bấp bênh, nhưng từ ngày tham gia chi hội phụ nữ, được hỗ trợ đồng vốn thực hiện mô hình chăn nuôi, cuộc sống đỡ hơn trước. Ban đầu chỉ nuôi được 1 chuồng, sau khi có vốn hỗ trợ đã mở rộng được thêm 2 chuồng heo nữa”.
Nhận thấy mô hình chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn, nhiều hội viên phụ nữ mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để nhân rộng mô hình chăn nuôi, Hội phụ nữ đã phát huy vai trò cầu nối giúp chị em được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bà Lê Thị Quýt, Chi Hội trường Phụ nữ ấp Cái Rắn A, xã Phú Hưng nói: “Hiện trong chi hội cũng còn nhiều hội viên khó khăn có mô hình tương tự chị Ngân mong muốn được hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, phát triển mạnh hơn mô hình chăn nuôi này”.
Đề cập đến việc đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách giúp giải quyết việc làm và giảm nghèo trong huyện, ông Nguyễn Hữu Trần, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Nước cho biết: “Ngay khi được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của chính phủ, ngân hàng đã nhanh chóng triển khai giải ngân 100%. Hiện ngân hàng Chính sách Xã Hội huyện triển khai thực hiện các thủ tục xin bổ sung nguồn vốn từ trung ương và địa phương để tiếp tục hỗ trợ cho hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn huyện có nhu cầu vay vốn để thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất, phục hồi sản xuất sau dịch Covid – 19”.
Thông qua nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội, đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có hội viên phụ nữ; đã góp phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ nông thôn; chăn nuôi là một trong những mô hình đã phát huy được hiệu quả./.