*2 tháng đầu năm tinh giản biên chế 4.302 người
Bộ Nội vụ cho biết, sau 1 năm thực thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đến nay đã đạt nhiều kết quả. Nhận định trên được Bộ Nội vụ đưa ra sau khi 29 bộ, ngành và 57 địa phương báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị.
Trao đổi cụ thể về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho hay, đến nay, đa số các Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của từng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và Đề án tinh giản biên chế Bộ, ngành, địa phương mình giai đoạn 2016 - 2021 và của từng năm theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ-TTg và Chỉ thị số 02/CT-Thủ tướng.
Cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được sắp xếp, kiện toàn theo hướng thu gọn đầu mối (giảm số phòng và chi cục thuộc Sở), giảm một số cơ quan cấp huyện do địa phương sắp xếp, thu gọn đầu mối (TP Hà Nội giảm 03 Phòng Dân tộc, Lào Cai giảm 09 Phòng Y tế, Bắc Kạn giảm 16 phòng Y tế và Phòng Dân tộc...).
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Tiến Thành, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến ngày 28/2/2018 là 34.663 người. Trong đó, năm 2015 là 5.778 người, năm 2016 là 11.923 người, năm 2017 là 12.660 người và 2 tháng đầu năm 2018 là 4.302 người.
Tuy vậy, theo Bộ Nội vụ đến nay vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương mình giai đoạn 2016 - 2021 và một số Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế nhưng kết quả thực hiện tinh giản biên chế đến hết năm 2017 còn thấp.
Một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được Trung ương giao hàng năm; tình trạng tự ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn diễn ra phổ biến ở các Bộ, ngành, địa phương. Công tác thống kê, báo cáo về quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời.
*Đề xuất mở rộng đối tượng tinh giản
Bộ Nội vụ cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế theo hướng mở rộng đối tượng tinh giản biên chế để đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện tinh giản biên chế.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ đề xuất mở rộng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được thực hiện tinh giản biên chế để đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế nhằm đạt mục tiêu giảm biên chế theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Về quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản, dự thảo đề xuất sửa lại theo hướng: Các cơ quan, tổ chức được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật để tuyển dụng mới công chức, viên chức và lao động hợp đồng, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật để thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 17-KL/TW.
Về trình tự thực hiện tinh giản biên chế, ông Nguyễn Tiến Thành thông tin, dự thảo Nghị định đã đề xuất sửa lại quy định về trình tự thực hiện tinh giản biên chế theo hướng: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế trình Bộ, ngành, địa phương.
Bộ, ngành, địa phương chủ động phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế và tạm ứng kinh phí từ nguồn chi ngân sách thường xuyên hàng năm để thực hiện việc chi trả các chế độ, chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế. Định kỳ 02 lần/năm, Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ để kiểm tra về đối tượng và kết quả thực hiện tinh giản biên chế và gửi Bộ Tài chính để kiểm tra, quyết toán và bổ sung kinh phí (nếu có).
Căn cứ báo cáo về đối tượng và kết quả tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ, ngành, địa phương và Bộ Tài chính về việc thực hiện tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương đó để Bộ Tài chính kiểm tra và quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương.
Mặt khác, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định xác định ngày, tháng được dùng làm căn cứ để tính chế độ chính sách về hưu trước tuổi để bảo đảm thống nhất với Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức./.