CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN, KỊCH BẢN ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI NĂM 2024
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện về công tác phòng chống thiên tai năm 2023, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành thời gian vừa qua. Đồng thời định hướng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao chất lượng công tác phòng chống thiên tai năm 2024.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, do tác động của hiện tượng La Nina, năm 2024 tình trạng hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta sẽ diễn biến phức tạp hơn. Năm 2024 dự báo sẽ có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 đến 7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, tập trung nhiều từ tháng 9 đến tháng 11.
Điểm cầu tại Hà Nội
Tại Cà Mau, năm 2023, thiên tai làm thiệt hại, hư hỏng 1.181 căn nhà, sạt lở đất ven sông hơn 6.400 mét; sạt lở bờ biển hơn 29.200 mét. Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển; ước tổng thiệt hại khoảng 52 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, do ảnh hưởng của hạn hán, toàn tỉnh ghi nhận gần 700 vị trí sụp lún với tổng chiều dài hơn 18 km; trên 2.600 hộ gia đình phải thiếu nước sạch sinh hoạt; cháy trên 42 ha rừng tràm;… Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 28 tỷ đồng. Mặc dù công tác chủ động phòng chống thiên tai có sự chuyển biến tích cực, nhưng tình hình thiên tai và hậu quả để lại còn rất nặng nề.
Điểm cầu tại huyện Cái Nước
Để chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành và từng địa phương cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với việc chuyển đổi trạng thái thời tiết từ El Nino sang La Nina sát với điều kiện thực tế. Cơ quan khí tượng cần nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai từ sớm, từ xa để các cấp chính quyền có chỉ đạo phòng chống phù hợp, hiệu quả./.