BÍ THƯ TỈNH UỶ NGUYỄN TIẾN HẢI KHẢO SÁT SIÊU THÂM CANH TUẦN HOÀN ÍT THAY NƯỚC TẠI HUYỆN CÁI NƯỚC
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (thứ 6 từ phải sang) cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 3 từ phải sang) khảo sát thực tế mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước tại hộ ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học nuôi trồng Thủy sản và môi trường SAEN thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, được thực hiện từ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và tài trợ của tổ chức Cirad và vốn đối ứng của chủ hộ, được triển khai thực hiện tại huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi.
Tại huyện Cái Nước, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ là người được hỗ trợ thực hiện dự án với diên tích 01 ha, trong đó diện tích ao nuôi chiếm tỷ lệ từ 40 đến 50%, phần còn lại các công trình phụ xử lý nước. Mật độ tôm nuôi giai đoạn 1: 3.000 con/m2, giai đoạn 3: 500 con/m2 và giai đoạn 3: 250 con/m2. Thời gian nuôi trung bình 90 ngày/vụ, tôm đạt kích cỡ 40-26 con/kg, năng suất bình quân 60 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước là chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định, 100% hệ thống nuôi không xả thải ra môi trường bên ngoài thông qua sử dụng công nghệ tuần hoàn theo quy trình tự nhiên của hệ thống lắng lọc bằng ao rong mền, ao rong câu, kết hợp nuôi cá rô phi và xử lý vi sinh để cải thiện môi trường nước, không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm, tạo ra sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo vệ được môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người thứ nhất từ trái sang) tìm hiểu về quy trình vận hành của hệ thống cống lọc và xử lý nước thải của ông Huỳnh Thái Nguyên tại ấp Cái Hàng, xạ Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước
Đến nay, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên đã thực hiện thành công được 5 vụ nuôi. Từ dự án thí điểm của Sở khoa học và Công nghệ triển khai, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên cũng đã cải tiến thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học” tại ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông cũng đạt được kết quả tương tự.
Đ/c Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ trao đổi với các Sở, ngành, doanh nghiệp sau khi khảo sát thực tế
Qua khảo sát thực tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá: Tuy dự án chưa kết thúc, nhưng kết quả bước đầu cho thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại huyện Cái Nước đạt hiệu quả và thành công. Để sớm kết thúc dự án và có kết quả đánh giá về tính khả thi của dự án để có thể triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan nghiên cứu đánh giá rút kinh nghiệm về quy trình nuôi, từ khâu xây dựng thiết kế ao đầm, quy trình tuần hoàn trong xử lý nguồn nước, để sau khi kết thúc dự án đủ điều kiện phổ biến cho người dân học hỏi và thực hiện, nhằm thúc đẩy ngành tôm tỉnh Cà Mau phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khảo sát thực tế mô hình của hộ ông Huỳnh Thái Nguyên,tại ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm đến mô hình này và lưu ý UBND tỉnh, các Sở, ngành và các huyện, thành phố Cà Mau cần phát huy hết vai trò chức năng quản lý Nhà nước trong việc quy hoạch vùng nuôi, đầu tư kết cấu hạ tầng cho các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung; cần nghiêng cứu đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, vốn đầu tư của Ngân hàng bằng các chính sách hỗ trợ cho nông dân, làm thế nào để phát huy tối đa mô hình nuôi tôm sinh thái, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Phải khắc phục cho bằng được tình trạng nuôi nhỏ lẻ, manh mún không đảm bảo môi trường, dẫn đến rủi ro cho nông dân. Mục tiêu cuối cùng là tính hiệu quả và sự cạnh tranh, giúp giảm giá thành đầu vào, nâng cao lợi nhuận cho người nuôi tôm; hướng đến mục tiêu nuôi tôm sạch, hiệu quả bền vững, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế tối đa dịch bệnh. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh./.