Thôn này lúc bấy giờ có khoảng 300 người chuyên sống nghề nông, chủ yếu là trồng trọt và cấy lúa nước, một số cụm dân cư theo ven sông bắt tôm, cua, cá để sinh sống. Dần dần vùng đất này trở nên trù phú, thu hút ngày càng đông đảo người dân tứ xứ đến lập nghiệp xây dựng xóm làng.
Năm 1833 (Minh Mạng thứ 13) trấn Hà Tiên lập thành tỉnh, xứ Cái Thủy (Cái Nước) nằm trong Tổng Quảng Xuyên.
Nhìn lại lịch sử khẩn hoang vùng đất Cà Mau thì vùng Cái Nước được khẩn hoang khá sớm, có nhiều đồng ruộng thuộc điền chủ quản lý.
Đến triều vua Tự Đức, Nam Kỳ lục tỉnh được khuyến khích lập làng mới, thúc đẩy khẩn hoang để thu thêm thuế đinh và thuế điền. Cho nên nhiều người khá giả ở nơi khác đến vùng đất Cái Nước tìm mọi cách sang đoạt “Vì Nam Kỳ chất chứa tệ hại đã lâu, cường hào cậy mạnh bá chiếm, người nghèo không có đất cắm dùi. Có kẻ biệt xã chiếm ruộng đất xã khác, mà người sở tại lại phải tá ngụ để cày cấy và ở….”(Trích trong lịch sử Đảng bộ huyện Cái Nước). Tình hình bấy giờ đã biến người nông dân khẩn đất thành tá điền của bọn cường hào.
Đến thời Pháp thuộc, các điền chủ người Pháp tăng cường bóc lột thậm tệ người dân bản xứ như tên Patisti ở ấp Rạch Mũi, Tân Hưng; Mespar; Campo ở Tân Hưng Đông. Bên cạnh đó, những điền chủ người Việt cũng tăng cường bóc lột tá điền, đời sống của nhân dân vô cùng cơ cực.
Vì “Tức nước vỡ bờ”, nhân dân Cái Nước cùng nhân dân trong vùng liên tục nổi dậy đấu tranh chống cường hào ác bá. Phong trào này ngày càng phát triển mạnh, dẫn đến sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc diễn ra trên đất Long Xuyên (Cà Mau). Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, khi hùng binh Tây Sơn Nguyễn Huệ hoạt động mãnh liệt trên địa bàn rừng biển của bán đảo, có liên hệ đến các cụm, các khu dân cư dọc tuyến sông Bảy Háp, Đồng Cùng để truy đuổi tàn quân Nguyễn Ánh. Trong rạch Cái Rắn… còn để lại những dấu tích như “Ao Ngự” thời chúa Nguyễn, chứng tỏ dấu vết cuộc nội chiến và ảnh hưởng nhân văn của nó ở đây.
Năm 1901, dân cư Cái Nước cùng các nơi trong vùng đấu tranh chống bắt xâu, đào kênh đắp lộ, hầm đất đỏ, khiêng đá trải đường… Đòi chúng trả tiền công lao động như quy định, đòi nước sạch để uống và thuốc trị bệnh, cứu chữa tai nạn lao động thường xuyên xảy ra.
Năm 1925, nhân dân ấp Rạch Mũi, xã Tân Hưng đã vùng lên chống tên điền chủ Patisti. Nhiều nơi trong vùng cũng nổi dậy mang tính tự phát để chống lại sự bất công của bọn điền chủ - thực dân phong kiến. Có thể nói, đầu thế kỷ XX người dân Cà Mau - Cái Nước đã tham gia phong trào “Phản Pháp phục Nam”, phong trào đấu tranh chống địa chủ áp bức bóc lột, phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh, nhận lấy ảnh hưởng của phong trào thanh niên Cao Vọng Đảng; Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, sôi nổi nhất là lớp tuổi trẻ, học sinh trí thức giàu lòng yêu nước, làm trung tâm thúc đẩy cho phong trào đấu tranh cách mạng của vùng đất này.
Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, năm 1930 các chi bộ ở khu vực Cà Mau được hình thành. Phong trào đấu tranh của người dân Cái Nước cùng nhân dân trong vùng trở thành tự giác, có tổ chức và có lãnh đạo. Chi bộ Đảng đầu tiên ở Cà Mau với cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay ở Đình Tân Hưng báo hiệu bình minh trên quê hương Cái Nước.
Trong thời kỳ chống Pháp, khi thành lập quận Ngọc Hiển (1948) thì phần đất Cái Nước thuộc quận Ngọc Hiển. Năm 1951 khi chia quận Ngọc Hiển thành 2 quận Ngọc Hiển và Trần Văn Thời thì phần đất của huyện Cái Nước ngày nay thuộc quận Trần Văn Thời.
Tháng 10 năm 1956 huyện Cái Nước được thành lập trên cơ sở tách huyện Cà Mau Nam thành hai huyện: Ngọc Hiển (mật danh Tư Kháng) Cái Nước (mật danh Năm Cứng), lấy sông Bảy Háp chạy lên kinh xáng Đội Cường làm điểm phân chia ranh giới.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đến ngày 05/5/1976 huyện Cái Nước xác nhập vào huyện Trần Văn Thời. Đến ngày 01/4/1979 huyện Trần Văn Thời tách ra 3 huyện; Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời; ngày 01/7/1984 huyện Phú Tân sáp nhập về Cái Nước, theo đó các xã trong huyện cũng luôn biến động do tách, ghép.
*Ngày 01/01/2004, thực hiện Nghị định số 138/2003/NĐ-CP ngày 17/01/2003 của Chính phủ, huyện Cái Nước được tách ra thành hai huyện: Cái Nước và Phú Tân cho đến ngày nay.