Các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường mới theo Quyết định 2222 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau
Chính phủ xác định mục tiêu chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Để đảm bảo khôi phục, phát triển kinh tế nhất thiết phải phòng chống dịch hiệu quả. Trong phòng chống dịch, phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài, phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội, trong đó vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch.
Để đảm bảo chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch Covid 19 theo Nghị quyết số 128, Chính phủ yêu cầu các địa phương không được quy định trái với quy định chung, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo Trung ương, nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương.
Theo đánh giá, đợt dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, mạnh, diễn biến phức tạp, kéo dài, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Dịch bệnh Cocid 19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe và đời sống của nhân dân; ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế xã hội, làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế và tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động và cộng đồng doanh nghiệp.
Vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất thiết cả nước phải chuyển trạng thái để thích ứng, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục phát triển kinh tế chứ không thể kéo dài giãn cách; cần phải xem đây là cuộc chiến lâu dài, phải có phải pháp thích ứng an toàn để có thể sống chung với Covid 19. Tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Cái Nước cũng nằm trong thực trạng ấy.
Huyện Cái Nước có hơn 4.300 người ngoài tỉnh trở vế địa phương từ đầu tháng 10 đến nay
Cùng với các tỉnh thành phố khu vực phía Nam, từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Cà Mau đã có hơn 33.200 người dân đi lao động từ các tỉnh, thành phố vùng dịch tự phát về địa phương, gây nên tình trạng quá tải trong việc tổ chức cách ly, xét nghiệm sàng lọc, chăm sóc sức khoẻ và phòng chống dịch. Phần lớn người từng vùng dịch trở về địa phương thuộc nhóm nguy cơ và nguy cơ cao, nên số ca dương tính với Covid 19 đang tăng lên từng ngày. Đến ngày 17/10, tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 1.181 trường hợp dương tính với Covid 19, riêng năm 2021 là 1.173 người. Từ ngày 15/10 đến 17/10, trung bình mỗi ngày có hơn 40 ca mắc mới là người ngoài tỉnh trở về địa phương đang cách ly y tế tập trung và cách ly tại nhà. Tuy nhiên, để tạo sự thống nhất chung trong cả nước theo chỉ đạo của Chính phủ, trong 2 ngày 15 và 16/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã phải ban hành và điều chỉnh 02 quyết định ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo Quyết định 2222 ngày 16/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, tùy theo bốn cấp độ dịch: cấp độ 1 nguy cơ thấp, cấp độ 2 nguy cơ trung bình, cấp độ 3 nguy cơ cao, cấp độ 4 nguy cơ rất cao; người từ các địa phương khác vào tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định nhưng yếu tố ràng buộc đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Nếu người đến từ khu vực nguy cơ thấp và khu vực nguy cơ trung bình, khi vào tỉnh chỉ khai báo y tế và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin khai báo. Nếu người đến từ khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, khi vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 còn hạn trong 72 giờ; những trường hợp đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 ra viện không quá 6 tháng, khi đến địa phương phải theo dõi sức khỏe 07 ngày; những người đã tiêm 01 mũi vắc xin thì cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nơi lưu trú trong 07 ngày; những người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nơi lưu trú trong thời gian 14 ngày.
Đối với các trường hợp Fl, F2, phải thực hiện cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Trường hợp F2 thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, trong trường hợp F2 chuyển thành F1 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà và cách ly cả hộ gia đình.
Ngoài ngoài tỉnh trở về địa phương cách ly y tế tại nhà
Như vậy, so với quy định trước đây, thời gian cách ly y tế đối với các trường hợp thuộc diện cách ly y tế đã rút ngắn một nữa thời gian. Trong khi đó, với chủng virus Dellta thời gian ủ bệnh khá dài; tại huyện Cái Nước, đã có một số trường hợp thực hiện cách ly y tế đến ngày thứ 27 mới có kết quả dương tính và cũng có 03 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh nhưng tiếp tục tái dương tính với Covid 19. Đến thời ngày 17/10, huyện Cái Nước đã ghi nhận 119 trường hợp dương tính với Covid 19, trong đó có 72 trường hợp là người ngoài tỉnh về địa phương từ đầu tháng 10 đến nay, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng số ca mắc trên địa bàn.
Qua đây cho thấy, nguy cơ dương tính đối với người ngoài tỉnh trở về địa phương là rất, không loại trừ bất cứ trường hợp nào. Thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc mới đang tăng cao. Đến 19 giờ ngày 17/10, số liệu cập nhật dịch Covid 19 trên hệ thống thông tin của Bộ y tế công bố, Cà Mau là tỉnh xếp thứ 9 trong tốp 20 tỉnh, thành phố có số ca mắc trong ngày cao nhất cả nước. Do vậy, việc tỉnh Cà Mau ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong điều kiện bình thường mới là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, vận chuyển hàng hoá, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế, chứ không có nghĩa là hết dịch. Trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 chưa có thuốc điều trị, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật có hạn, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 để tạo miễn dịch trong cộng đồng mới đạt hơn 32% dân số, cho nên công tác phòng chống dịch Covid 19 luôn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; với đại dịch Covid 19, phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh trong chỉ đạo: “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”, “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân”.
Với tư tưởng hành động “chống dịch như chống giặc”, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, mong rằng mọi người, mọi nhà hãy nêu cao ý thức tự giác thực hiện tốt phương châm xã phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là chủ thể trong hoạt động phòng chống dịch. Hơn ai hết, những người đang thực hiện cách ly y tế và người thân trong gia đình phải hết sức cẩn trọng, không tiếp xúc với nhau trong thời gian cách ly và theo dõi sức khoẻ, để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân, gia đình mình và bảo vệ chung cho cộng đồng; bởi dịch bệnh Covid 19 là kẻ thù giấu mặt, rất dễ lây nhiễm do tiếp xúc.
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh nhưng cũng không mất bình tĩnh, nóng vội; thực hiện tốt 5K + vắc xin và ý thức của mổi người dân trong cộng đồng, là giải pháp tốt nhất để cắt đứt nguồn lây, đẩy lùi đại dịch, để cuộc sống bình yên sớm trở lại với mọi nhà./.