Thời gian xây dựng NTM, khó khăn của Phú Hưng trong thực hiện tiêu chí ANTT là do địa bàn xã nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, bên cạnh những thuận lợi cho phát triển thương mại - dịch vụ, địa phương phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông còn diễn biến khá phức tạp, khó kiểm soát. “Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu so với lưu lượng xe ngày càng phát triển, khiến tình trạng đảm bảo trật tự an toàn giao thông từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp”, Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc Sáu chia sẻ.
Trong tình hình đó, xã đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện và giữ vững tiêu chí ANTT: Tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, họp dân; tuyên truyền tại các khu dân cư; hướng dẫn người dân nhận biết thủ đoạn của tội phạm để phòng ngừa, cảnh giác. Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn; củng cố, kiện toàn Hội đồng Bảo vệ ANTT xã, 10 ban bảo vệ xóm ấp, 96 tổ nhân dân tự quản, đội dân phòng hoạt động có hiệu quả; tổ chức thi đua giữa các xóm, ấp, ký cam kết về công tác giữ vững ANTT đến từng hộ gia đình...
Kết quả, Phú Hưng là địa phương có nhiều mô hình hay và nổi bật, được Công an tỉnh, Bộ Công an ghi nhận qua tuyên dương điển hình tiên tiến. Năm 2015, thời điểm mới được công nhận xã NTM, Phú Hưng cũng được huyện chọn làm mô hình điểm, giảm tội phạm, tệ nạn xã hội. Tuy có nhiều cái khó cơ bản, như: Lực lượng công an mỏng, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm…, song 2 năm qua, xã luôn giữ vững được kết quả tích cực trong công tác này. Cụ thể, có hơn 40 đối tượng sau khi thụ án, trở về cộng đồng, đã được quản lý chặt chẽ và hòa nhập tốt với xã hội. Có được những kết quả đó là do ngành Công an và các ngành chuyên môn đã làm tốt công tác thống kê, rà soát đối tượng sau khi tái hòa nhập cộng đồng, từ đó tạo điều kiện cho họ sống tốt, tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, trở thành một người công dân có ích cho xã hội sau những tháng ngày lầm lỡ.
Cũng từ trong cái khó, Phú Hưng đã có nhiều mô hình hay, đang được triển khai và nhân rộng. Cổng an ninh, lưới an ninh, tiếng loa an ninh và ánh sáng an ninh - là những điểm sáng của địa phương trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Nếu từ trước năm 2015, xã chưa xây dựng được cổng an ninh nào thì nay đã có được 15 cổng. Từ ngày có cổng, loại hình tội phạm vi phạm trật tự đường bộ giảm rõ rệt. Ông Thái Đức Hiền, người dân quản lý Cổng an ninh số 5, ấp Lộ Xe, bộc bạch: “Từ ngày có cổng, các đối tượng trộm cắp vặt, trộm chó… không còn như trước. Những cái cổng như thế này đã thật sự trở thành khắc tinh của tội phạm”.
Đối với đường sông thì phức tạp hơn với nạn trộm cắp vỏ máy, khai thác thủy sản bằng hình thức xung điện. Từ khi thực hiện mô hình lưới an ninh, với 24 lưới được bố trí tại các điểm cầu huyết mạch, đã làm dừng, làm giảm đáng kể tội phạm. Đáng ghi nhận, Phú Hưng được nhận Bằng khen của Bộ Công an về thành tích thực hiện mô hình này.
Mô hình tiếng loa an ninh đã trở nên gần gũi và thân thuộc với người dân sau khung giờ cố định, 22 giờ đêm. Người dân được cung cấp thông tin về tình hình an ninh chính trị của địa phương, cũng như nâng cao nhận thức, phương thức phát hiện hình vi vi phạm của các loại tội phạm, từ đó chủ động phòng tránh và phối hợp tốt với lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ông Thái Đức Thành (ấp Lộ Xe) cho biết: “Người dân như thuộc nằm lòng và nhớ các việc cần làm như chốt cửa, ngắt các thiết bị điện… trước khi đi ngủ. Nếu không được nghe tiếng loa an ninh, cảm giác thấy thiếu thiếu”.
Còn từ khi mô hình ánh sáng an ninh được Đoàn Thanh niên và lực lượng công an phối hợp triển khai thì tình hình tai nạn giao thông và trộm vặt giảm rõ. Người dân hưởng ứng nhiệt tình, tự bỏ tiền gắn thêm bóng đèn ở hành lang nhà, đầu ngõ… Hơn 130 bóng đèn hoạt động từ 21 giờ đến sáng hôm sau, đã thật sự phát huy hiệu quả.
Những mô hình trong công tác đảm bảo ANTT đã được xã NTM Phú Hưng vận dụng rất tốt, góp phần cho địa phương củng cố và nâng chất NTM để được công nhận lại sau 5 năm đạt chuẩn./.